LÃNG DU...
Mỗi thứ đều chứa đựng sự thú vị riêng của nó...
Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017
Thời thế và người đặc biệt...
(Nhân đọc bài http://thethaovanhoa.vn/anh/mourinho-nha-tho-thi-khong-the-gianh-nhieu-danh-hieu-duoc-n20170525060119317.htm)
Chỉ vài năm trước đây thôi, người ta phải tranh nhau mời ông, chèo kéo ông để mong ông về ngõ hầu chạm được tay vào chiếc cup Champion League danh giá. Nhưng thời thế nay đã đổi thay, và Người đặc biệt đã không còn đặc biệt nữa.
Người đặc biệt
2 cup Champion League với 2 câu lạc bộ thuộc 2 quốc gia, suýt chút nữa thành con số 3, quả là kỳ tích đối với nghề huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu. Ông tuyên bố "Tôi là Người đặc biệt", quả là không ngoa, bởi vì số người làm được như ông thậm chí không đếm được đến đủ bàn tay.
Gần như ông đi tới đâu, cup lũ lượt kéo về tới đó.
Tài rất nhiều, và nhiều tật.
Ông kiêu ngạo, ông độc đoán, ông xách mé, ông ngang ngược. Chỉ lúc ấy thôi, còn bây giờ thì...
Thời thế...
Kể từ khi ông bị đá khỏi Real vì vô địch La Liga mà không có Champion League (CL), rồi đến cái hạn vô địch Premiere League (PL) mà bị học trò phản, đến mức bị đuổi cổ khỏi Chelsea, ông mất 'linh'.
Ngày Mourinho về với MU, ông đang thất nghiệp. Người ta chọn ông vì người do Sir Alex chọn đã thể hiện quá tệ, và vì những cái tên đình đám khác lại từ chối. Họ từ chối phải chăng vì sợ sức ép của thương hiệu MU, hay vì sợ mớ hỗn độn của dàn sao đã xế chiều? Thật khó giải thích vì chỉ có họ mới biết nhưng không nói thành lời.
Mới nghe ông tâm sự "Chúng tôi thích đến Champions League bằng cách này hơn là kết thúc mùa giải trong top 4" mà thấy chạnh lòng. Còn đâu con người kiêu hãnh khi xưa, còn đâu chiến quả oai hùng ngày nào. Chạnh lòng, vì nghe như chuyện Con cáo và chùm nho, xét cho cùng ta có gì trong tay thì ta cho là quý giá nhất, mọi thứ ngoài tầm với đều là vớ vẩn cả. Cho dù đó là vô địch hay top 4 ngoại hạng Anh. Ông ấy chẳng còn dám nhắc gì đến CL nữa! Buồn thay!
Ngẫm lại, tâm sự thật lòng của Mou mới thật thấm, thật xót xa cho hoàn cảnh hiện tại 'với 3 danh hiệu trong mùa, tôi thật sự hạnh phúc cùng các cầu thủ trong mùa giải có thể nói là khó khăn nhất với tôi trên cương vị huấn luyện viên'. Tiền nhiều, muốn gì có nấy, nhưng cuối cùng thì lực bất tòng tâm. Community Shield, 1 trận đấu ngày xưa ông đâu có ham. League Cup, thứ các ông lớn thường bỏ, càng không phải đích ngắm. Europa League (EL), dẫu sao vẫn chỉ là cup hạng hai, vớt vát danh dự cho những bại tướng rớt đài từ Champion League cộng với vài gương mặt... hạng hai. Chẳng vậy mà Sevilla, vốn vô danh trong làng CL, đã có tới 2-3 năm liền khuynh đảo EL. Nay Manchester United vinh dự đoạt cúp! Canh bạc đã kết thúc, may mắn thay lại là cái kết đẹp. Giấu mặt đi đâu được nếu chẳng may thua trận ở Moscow, và còn gì danh dự của Mou nữa đây. Thấm lắm, lúc 'anh hùng phải cơn vận bĩ'. 1 năm sóng gió đã trôi qua, những số phận bấp bênh liệu có an bài? 'Bộ tứ kỳ cục' Mourinho - Schweisteinger - Ibrahimovic - Rooney rồi sẽ đi về đâu ngày mai? Bốn người, bốn hướng, bốn số phận, bốn cái kết chắc chắn... không giống nhau, cho dù mới đầu tháng 9 năm ngoái thôi, họ còn tràn trề hy vọng, còn nắm tay nhau thề nguyền, còn mơ tới đủ thứ cao xa. Cuộc sống là thế, hy vọng và thất vọng tựa như 2 mặt của một đồng xu, kề nhau, lật mặt nhanh hơn sự mong đợi của con người.
Cũng mong muốn một tương lai đẹp đẽ hơn cho MU, cho Mourinho. Nhưng một khi phù thủy đã cạn phép thì liệu MU còn trông chờ gì ở Mourinho, rồi người hâm mộ còn mơ mộng gì về MU?
Ôi, Mou và MU...
PXT
27/5/2017
Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017
Vì sao Đan Mạch lại được ví như 'thiên đường' cho cả doanh nghiệp lẫn cuộc sống người dân, khiến thế giới 'ngả mũ bái phục'?
Là một phần của khu vực Scandinavia, Vương quốc Đan Mạch và EU, quốc gia này có một nền kinh tế phát triển phụ thuộc lớn vào ngoại thương.
Đây cũng là nơi có những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và đa quốc gia thành lập và phát triển. Không chỉ giàu có về mặt vật chất, Đan Mạch cũng có một bí quyết hạnh phúc mang tên “Hygge” – một nét đặc trưng trong văn hóa nước này.Đan Mạch nằm ở Bắc Âu, kết hợp với Na Uy và Thụy Điển tạo thành khu vực Scandinavia trứ danh. Quốc gia với hơn 5,7 triệu dân (tính tới tháng 7/2016) này có diện tích hơn 43.000 km2, trong đó bán đảo Jylland chiếm 2/3 diện tích này, và 1/3 còn lại thuộc về hơn 400 hòn đảo nằm ở phía đông Jylland. Những đảo lớn nhất của Đan Mạch là Zealand (7031 km2) và Vendsyssel-Thy (4685 km2), và Funen (2984 km2).
Đan Mạch là một trong 3 quốc gia tạo thành Vương quốc Đan Mạch, bên cạnh 2 quốc gia tự trị là quần đảo Faroe ở Bắc Đại Tây Dương và Greenland ở Bắc Mỹ. Trong đó, Đan Mạch đóng vai trò chủ yếu trong việc lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Là một thành viên của EU, Pháp luật và các quy định của Đan Mạch phù hợp với hầu hết các tiêu chuẩn của Liên minh này. Tuy nhiên đất nước Scandinavia này đã đàm phán với EU để có quyền hoạt động độc lập và vẫn giữ đồng Krone làm đơn vị tiền tệ chính thức thay vì đồng Euro.
Một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngoại thương
Quốc gia này sở hữu một nền nông nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp tiên tiến với những công ty hàng đầu thế giới về dược phẩm, vận tải hàng hải và năng lượng tái tạo và sự phụ thuộc cao vào ngoại thương.
Theo IMF, giá trị xuất khẩu của Đan Mạch trong năm 2016 là 94,2 tỷ USD, chiếm 35,6% GDP của quốc gia này.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Đan Mạch bao gồm máy móc (12,8 tỷ USD), dược phẩm (12,5 tỷ USD), thiết bị điện (8,8 tỷ USD), nhiên liệu khoáng sản (4 tỷ USD) và thiết bị quang học, kỹ thuật, y tế (3,9 tỷ USD). Các thị trường xuất khẩu chính của Đan Mạch là châu Âu (chiếm 73,6% tổng giá trị xuất khẩu), châu Á (13,4%), và Bắc Mỹ (6,6%).
Do nguồn tài nguyên khoáng sản không quá dồi dào, nên Đan Mạch cũng phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất. Trong năm ngoái, quốc gia này đã mua 85,2 tỷ USD giá trị hàng hóa từ các quốc gia khác.
“Thiên đường” của các doanh nghiệp
Có rất nhiều yếu tố chứng minh Đan Mạch là một nơi tuyệt vời để đầu tư, kinh doanh, và đặt trụ sở công ty không chỉ của các công ty đa quốc gia này mà còn cả của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Quốc gia Bắc Âu này có một môi trường kinh doanh an toàn. Theo số liệu của tổ chức Transparency International, Đan Mạch san sẻ vị trí thứ 1 với New Zealand trong bảng xếp hạng Chỉ số nhận thức tham nhũng trong năm 2016. Với điểm số rất cao 90/100, điều này có nghĩa là tình trạng hối lộ, tham nhũng gần như không tồn tại ở Đan Mạch và quốc gia này cũng là nơi có hoạt động kinh doanh minh bạch nhất thế giới.
Còn theo World Bank, Đan Mạch là số 1 châu Âu trong 6 năm liên tiếp (2012 – 2017) về sự dễ dàng trong việc kinh doanh. Ví dụ, việc thành lập một doanh nghiệp mới chỉ cần tốn vài giờ đồng hồ thông qua dịch vụ đăng ký online với một chi phí rất thấp. Trong khí đó, cấp giấy phép cư trú và giấy phép lao động cho người nước ngoài có thể được hoàn thành trong vòng 5 tuần.
Trụ sở của công ty sản xuất món đồ chơi nổi tiếng này được đặt ở Đan Mạch
Một yếu tố không thể không nhắc đến chính là nguồn nhân lực. Người dân Đan Mạch có trình độ học vấn cao với khả năng ngoại ngữ xuất sắc. Một tỷ lệ cao dân số có bằng đại học. Độ thông thạo tiếng Anh của họ được xếp hàng thứ 2 trên thế giới (chỉ đứng sau Hà Lan), và một nửa dân số Đan Mạch giao tiếp được bằng tiếng Đức.
Hygge - Bí quyết hạnh phúc của quê hương của truyện cổ Andersen
Từ khi bản báo cáo World Happiness Report ra đời vào năm 2012, Đan Mạch luôn nằm trong top 2 các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ngoài thu nhập cao và các chính sách trợ cấp xã hội thuộc loại tốt nhất thế giới đem lại cuộc sống vật chất sung túc, “Hygge” có lẽ chính là bí quyết thực sự để trở nên hạnh phúc của quê hương truyện cổ Andersen này
Hygge là một thuật ngữ của Đan Mạch có nghĩa là “chất lượng của sự ấm cúng và sự vui vẻ thoải mái tạo ra cảm giác mãn nguyện và hạnh phúc” và được phát âm là “hoo-guh”. Về bản chất, hygge có nghĩa là tạo ra một bầu không khí ấm áp và tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống cũng những con người tuyệt vời.
Trong một bài báo của The Guardian, thì đối với người Đan Mạch, làm việc muộn hơn 5:30 thì văn phòng đó ảm đạm không khác gì một cái nhà xác cả. Làm việc cuối tuần thì những người Đan Mạch sẽ nghĩ bạn đã phát điên. Trong suy nghĩ của họ, mỗi gia đình cần phải có thời gian để vui chơi và ăn uống cùng nhau vào cuối ngày và điều đó cần diễn ra hằng ngày.
Trivoli Gardens trong thời gian chào đón Giáng sinh
Vào những tháng mùa hè, thì hygge có thể được cảm nhận thông qua những buổi picnic ở công viên với bạn bè, những nhạc hội ngoài trời, những lễ hội đường phố và những chuyến đạp xe ngắm cảnh.
Hygge không chỉ là một căn phòng ấm cũng với những ánh nến lung linh, những người đồng hành và thức ăn ngon. Hygge là một triết lý, một phong cách sống đã giúp người Đan Mạch hiểu được tầm quan trọng của sự đơn giản, thời gian để nghỉ ngơi và sống chậm lại. Vì thế, dù hygge có thể bắt nguồn từ Đan Mạch, nhưng mọi người trên khắp thế giới hoàn toàn có thể học hỏi để có được một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn.
Thời Đại
http://cafef.vn/vi-sao-dan-mach-lai-duoc-vi-nhu-thien-duong-cho-ca-doanh-nghiep-lan-cuoc-song-nguoi-dan-khien-the-gioi-nga-mu-bai-phuc-20170428102216861.chn
[Suy ngẫm] Người Tokyo giao cảnh sát 30 triệu USD tiền nhặt được mỗi năm...
Ở nơi mà vì 17.000đ-20.000đ người ta có thể lấy mạng nhau để cướp, thậm chí giết cả người thân trong gia đình, ở nơi mà người ta thản nhiên lừa lọc nhau đến tán gia bại sản, thản nhiên rải đinh để rình chờ cơ hội chặt chém, mặc cho người khác có thể mất mạng, ta khó tưởng tượng được điều gì đang diễn ra ở xứ sở kia. Lòng tham + Bất chấp đạo đức + Sự dối trá đã tạo ra một xã hội băng hoại
---------------------------------------
Thứ sáu, 17/3/2017
---------------------------------------
Thứ sáu, 17/3/2017
Năm 2016, người dân thành phố Tokyo đã giao nộp khoảng 32 triệu USD tiền mặt thất lạc cho cảnh sát.
Theo sở cảnh sát Tokyo, 75% số tiền được gửi tận tay người đánh mất.
Thống kê số tiền mặt thất lạc được giao nộp cho cảnh sát. Đơn vị tính: tỷ yen. Ảnh: Bloomberg.
|
Ngoài ra, chìa khóa, kính mắt và vật dụng dễ rơi, những món đồ trị giá
hàng triệu USD cũng được chuyển đến phòng tiếp nhận tài sản thất lạc của
sở cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) hàng năm.
Toshinari Nishioka, một cựu cảnh sát đang làm giáo sư tại Học viện Quốc tế Kansai, nói với Bloomberg:
"Trường ở Nhật Bản có những giờ học về đạo đức và nguyên tắc đối nhân
xử thế. Học sinh được học cách tưởng tượng đến cảm giác của người đánh
mất tài sản và tiền bạc. Không hiếm trẻ em đem những đồng xu 10 yen đến
giao cho cảnh sát".
Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra luật về tài sản thất lạc. Bất kỳ ai trả
lại đồ nhặt được cho cảnh sát có quyền nhận một phần thưởng trị giá 5 -
20% giá trị tài sản thất lạc, nếu nó được trả lại cho người đánh mất,
hoặc sở hữu hợp pháp toàn bộ số tài sản đó nếu không có người nhận lại
trong vòng 3 tháng.
Theo Bloomberg
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/nguoi-tokyo-giao-canh-sat-30-trieu-usd-tien-nhat-duoc-moi-nam-3556428.html