Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Sự thật phũ phàng về nhân vật Quan Vũ trong Tam quốc diễn nghĩa



Cách đây chưa lâu, có bài báo cực kì tôn vinh Quan Vũ, coi ông ta là "bậc thánh nhân" bằng những lời lẽ "có cánh": võ nghệ tuyệt luân không ai bằng, thần trí vô cùng anh linh, dùng binh lập kế ra người lão thành, văn võ song toàn, lòng dạ có thể sánh cùng trời đất, ở đâu cũng trở nên trung tâm của những hành xử nghĩa hiệp, cái khí trung nghĩa tràn khắp trời đất và trong lòng người ta, là đệ nhất kì nhân trong rừng võ tướng lừng danh kim cổ, từ trang sách Trung Hoa đã bước vào cuộc sống của người Việt Nam và được nhiều người thờ phụng, v.v...
Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc Tam quốc diễn nghĩa, có ba nhân vật được tác giả La Quán Trung biệt đãi gọi theo tên tự: Huyền Đức (Lưu Bị), Vân Trường (Quan Vũ) và Khổng Minh (Gia-cát Lượng); trong khi các nhân vật khác đều được (bị) gọi theo tên cúng cơm: Tháo (Tào), Quyền (Tôn), Phi (Trương), ... Hẳn là do quan điểm "phò Hán" coi Lưu Bị và Thục Hán mới là chính thống kế tục nhà Hán. Người đọc, do vậy, có thiện cảm với ba nhân vật này nhiều hơn. Riêng với Quan Vũ còn được một số người tôn thờ. Cách đây chưa lâu, có bài báo cực kì tôn vinh ông ta là "bậc thánh nhân" bằng những lời lẽ "có cánh": võ nghệ tuyệt luân không ai bằng, thần trí vô cùng anh linh, dùng binh lập kế ra người lão thành, văn võ song toàn, lòng dạ có thể sánh cùng trời đất, ở đâu cũng trở nên trung tâm của những hành xử nghĩa hiệp, cái khí trung nghĩa tràn khắp trời đất và trong lòng người ta, là đệ nhất kì nhân trong rừng võ tướng lừng danh kim cổ, từ trang sách Trung Hoa đã bước vào cuộc sống của người Việt Nam và được nhiều người thờ phụng, v.v... (An ninh thế giới cuối tháng số 3/2006, bài "Bậc thánh nhân Quan Vân Trường" của tác giả Nguyễn Lưu).
Ngày nay, sách báo Trung Quốc thường gọi đúng tên Quan Vũ. Rất lạ là ở ta dịch tài liệu của họ lại cứ cải biên ra "Quan Công". Quan công là "ông lớn họ Quan" trước đây do một số người mê tín tôn xưng. Đến nay, thậm chí không ít người tưởng là tên chính thức. Cho đến nỗi cách đây mấy năm một ông phó tiến sĩ viết bài nhận định về Quan Vũ (mà ông ta vẫn gọi là Quan Công) trên tạp chí Thế Giới Mới khi chê họ Quan vì ơn riêng mà tha Tào Tháo đã viết: "Ơn nghĩa chỉ là việc riêng giữa Công và Tháo".
Quan Vũ là một dũng tướng. Song, về tài và đức ông chẳng là "vô song" trong hàng danh tướng Tam Quốc, chứ chưa nói cổ kim thiên hạ. Nói về tài, giỏi võ là tài những chẳng phải là phẩm chất quyết định của một danh tướng. (Thật ra, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa Quan Vũ phải nhường ngôi võ công số một cho Lã Bố đã đành, với một số khác ông chưa hẳn đã vượt trội. Chẳng hạn, Bàng Đức kịch chiến ngang tài với ông, về sau chỉ bị bắt khi thuyền chìm. Chẳng hạn, đánh nhau với Hoàng Trung bất phân thắng bại, ông ta phải dùng chước "đà đao", chước mà ông ta chẳng cần phải dùng với Hoa Hùng, Nhan Lương, Văn Xú, - những tướng cũng rất cự phách, đã bị ông ta hạ thủ). Tài, còn phải có dũng. Quan Vũ quả là rất dũng, một mình cùng Châu Sương vác đao đi phó hội bên Ngô. (Trước đó, Gia-cát Lượng cũng vậy, chỉ dùng Triệu Vân tháp tùng sang Ngô viếng tang Chu Du tuy biết các tướng Ngô đang rất muốn giết mình để trả thù cho chủ soái bị làm cho uất mà chết). Danh tướng còn phải rành sách lược, chiến lược, chiến thuật. Về chiến thuật, Quan Vũ đã thắng Vu Cấm, Bàng Đức, Tào Nhân, nhưng lại để cho Lã Mông đánh úp dẫn đến đại bại. Một sự thật là khi chưa có Từ Thứ và sau đó là Gia-cát Lượng, Quan Vũ (cùng các tướng khác của Lưu Bị) hầu như luôn luôn thua trận. Ông ta cũng không hiểu được sách lược mang tầm chiến lược "hoà Ngô, cự Tào" của Gia-cát Lượng trong cái thế của Lưu Bị lúc bấy giờ. Ông ta để mất Kinh Châu làm cho cái thế ấy thêm chênh. Do vậy, nói "trí dũng song toàn" đãkhó, nói chi "văn võ song toàn"!
Về đức, Quan Vũ thuộc mẫu người "giàu sang không mua chuộc được; nghèo hèn không làm đổi lòng được; uy vũ không khuất phục được", có những đức tính trung nghĩa, khẳng khái, trung thực, dũng cảm,... Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa không hiếm những nhân vật như vậy. Tuy nhiên họ Quan gây ấn tượng hơn nhờ ngòi bút bậc thầy của La Quán Trung với những trường đoạn như: qua năm cửa ải chém sáu tướng, hay "hàng Hán không hàng Tào" (đưa ra ý này, Quan Vũ mặc nhiên đặt Tào Tháo ngang vua Hán và coi Hán cũng là đối địch - nên mới "hàng"!); với những tình tiết như: ngồi đánh cờ cho thầy thuốc lóc thịt mình, hay cầm đuốc đứng canh cho hai chị dâu ngủ (một hành động đối phó với âm mưu "bôi bẩn" của Tào Tháo hòng chặn đường Quan Vũ quay về với Lưu Bị),... Song, cũng do ngòi bút bậc thầy, người đọc có thể cảm nhận được những gì "thật" hơn. Quan Vũ là người nghĩa khí nhưng nhiều lúc lại tỏ ra tiểu khí. Nghe tin Mã Siêu vốn nổi danh võ nghệ cao cường mới về hàng Lưu Bị, ông ta đòi rời Kinh Châu nơi yếu địa ông ta đang lĩnh trọng trách trấn giữ để vào Thục đọ tài cao thấp; Gia-cát Lượng phải dùng lời phỉnh ông ta mới thôi. Ông ta không chịu để Hoàng Trung cùng hàng "ngũ hổ tướng" với mình, dẫu xếp ở cuối, bởi coi ông này chỉ là "tên lính già" (thực ra Hoàng cũng là danh tướng từng đấu ngang ngửa với ông ta, và Lưu Bị phải đích thân chiêu hàng mới được), không là anh em hoặc thân hữu chí cốt như Trương Phi, Triệu Vân, cũng không dòng dõi nhà tướng như Mã Siêu (trong khi ông ta cùng Trương, Triệu chẳng dòng dõi gì cho lắm); sau phải phủ dụ ông ta mới chịu (Rõ ràng chẳng phải lúc nào cũng "ngạo người trên mà không thèm khinh người dưới" như có người đã cố đề cao!). Quan Vũ nhận Quan Bình làm con nuôi thì chẳng sao, đến khi Lưu Bị nhận Lưu Phong làm con nuôi lại không bằng lòng. Vì chuyện này, về sau khi ông ta lâm nguy cầu cứu Lưu Phong, Phong đã toan đi ngay nhưng vì có người dèm rằng "ông ta có coi ông là cháu đâu" bèn thôi. Bài báo nói trên xem đây là "một chi tiết rất lí thú" vì "đây là một sự tỉnh táo mang tính định mệnh" của họ Quan bởi "chính đứa con nuôi kia đã phản bội lại cha nó". Người viết đã không đọc kĩ chỗ này trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. (Nên đáng lẽ chê là hẹp hòi lại khen là tiên tri). Kinh Châu thất thủ, Lưu Phong hối hận, quyết không nghe đồng liêu rủ đi hàng Tào, một mình về Thục xin chịu tội. Lưu Bị sau khi sai chém đầu con nuôi mới biết sự tình đã hối và cảm thương. Câu Quan Vũ đáp lời cầu hôn của Tôn Quyền hỏi con gái ông ta cho con trai mình: "nòi hổ không thể gả cho nòi chó" không chỉ là biểu lộ "tính tự cao" như bài báo đã viết mà còn là một sự thất thố lớn, một sự xúc phạm nặng nề đối với anh và là chúa của mình (vợ kế Lưu Bị chính là em gái của chúa "nòi chó"; đâu rồi hình ảnh đứng canh cho hai chị dâu ngủ!). Quan trọng hơn, nó phá hỏng cả một chủ trương chiến lược! (Khổ cho quân sư Gia-cát, cố triệt Chu Du chủ chiến để cho Lỗ Túc chủ hoà lên thay! Chuyện cầu hôn của họ Tôn chẳng qua là một động tác thăm dò). Về hành xử, Quan Vũ cũng có chỗ không được như một số tướng lừng danh cùng thời như Triệu Vân, Trương Liêu,... Chẳng hạn, trong một cơn nóng giận, ông ta đã sai đánh đòn nặng một tướng thân cận rồi lại sai y trấn giữ nơi xung yếu để phòng quân Ngô, canh lưng cho mình yên tâm đánh Tào. Sai lầm này góp phần vào cuộc thảm bại của ông ta. Tác giả bài viết còn khen Quan Vũ "nhân nghĩa" và "nổi bật về nhân cách" vì "không vướng chuyện thê nhi thường tình" nên "Trương Phi vẫn có Trương Bào, duy Quan ngài (!) phải nhận con nuôi". Sự thực, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Quan Vũ nổi rõ về tín nghĩa, chứ không phải về nhân nghĩa. Còn về chuyện thê nhi thì ông ta có con trai là Quan Hưng đấy chứ! Và con gái nữa! (nếu không thì họ Tôn cầu hôn ai?).
Có thể thấy người đời sau thờ cúng Quan Vũ chẳng phải vì tài đức vượt trội hơn các nhân vật cùng thời. Có ý kiến cho rằng việc tôn sùng này bắt nguồn từ mẹo Tào Tháo tránh né trò định đổ vạ của Tôn Quyền (để Lưu Bị trút giận sang Tào về việc Quan Vũ bị giết), lại kích cho Thục đánh Ngô. Có thể thêm: Khi Lưu Bị tiến quân áp đảo vào đất Ngô, một trong những việc Tôn Quyền làm để cầu hoà là cho thờ cúng tôn vinh họ Quan để tạ cái tội chém đầu ông ta. Càng về sau, giai thoại Quan Vũ hiển linh càng được lợi dụng trong dân gian, ám ảnh cả ngòi bút La Quán Trung đi đến "phong thánh" cho họ Quan trên những trang Tam Quốc Diễn Nghĩa. (Đúng ra thì có những tình tiết chẳng lấy gì làm "thánh" cho lắm: như hồn ma Quan Vũ cụt đầu đi lang thang đòi "đầu ta đâu?", sau có nhà sư giảng giải cho mới tan đi, hoặc nhập hồn vào Lã Mông vật chết ông này để trả hận lúc sống). Người Việt ta chịu ảnh hưởng người Tàu, nhất là trong giới buôn bán, lâu dần thành ra sùng bái, có khi vô lối. Ví như ở đền Ngọc Sơn trên hồ Gươm, trước đây, người ta thờ Quan Vũ ở giữa mà Trần Hưng Đạo thì thờ nơi khuất(!) (Việc này sao không sửa nhỉ? Dẫu đã quá muộn còn hơn cứ để vậy!)*.
Trong dân gian, người ta biết về Quan Vũ khá "hồn nhiên". Nhiều người chỉ biết thờ một ông Quan Công trừ được tà ma chứ chẳng biết Quan Vũ nào cả. Một số người có am hiểu cũng chỉ biết Quan Vân Trường mà không biết Quan Vũ.
Hồi bé, tôi được nghe kể một bản truyện Tam Quốc truyền miệng khá lí thú mà cũng khá là kì khôi. Xin thuật ra đây hai mẩu chuyện có liên quan đến Quan Vũ.
Chuyện kết nghĩa vườn đào: Để phân định thứ bậc, ba người kéo nhau đến trước một cây cao to, giao hẹn lấy mức nhảy cao thấp làm căn cứ. Trương Phi nhảy phóc lên cành cao nhất; Quan Vũ nhảy lên được cành lưng chừng; Lưu Bị vì bụng to nên đành đứng ôm gốc cây. Thế là Trương làm anh cả, Lưu làm em út. Chợt một ông già đi đến bảo: "Này, các vị! Theo như lão biết thì xưa nay việc gì cũng lấy gốc làm đầu, chẳng ai lấy ngọn đâu". Do vậy, thứ bậc được đảo ngược.
Chuyện Quan Vũ chết trận: Quân tướng bị quân Ngô đánh cho tan tác, Quan Vũ cưỡi ngựa chạy trốn. Ngựa Xích thố phi nhanh như chớp nên ông ta bị câu liêm quân Ngô phục sẵn phạt đứt cổ. Ông ta kịp vươn tay nắm được cái đầu đang rơi đặt lại trên cổ mình. Chạy mãi gặp một người, ông ta hỏi: "Này bà già! Người bị chặt đứt cổ rồi có thể chắp đầu sống tiếp được không?" Bà già đáp: "Thế thì chỉ có mà chết". Nghe vậy, Quan Vũ rơi đầu, từ trên mình ngựa ngã lăn xuống đất.
Quan Vũ - hình tượng văn học không hoàn toàn là Quan Vũ - nhân vật lịch sử (chẳng hạn, tình tiết họ Quan cầm đuốc đứng suốt đêm canh cho hai chị dâu ngủ, có tài liệu Trung Quốc cho rằng thực tế lịch sử trái ngược hẳn). Dẫu sao, muốn nhận chân một nhân vật văn học sống động phải quán triệt tác phẩm, không nên và không thể để cho định kiến chi phối hoặc dẫn dụ theo một đường mòn tâm linh!
(*)Hiện nay, khám thờ Trần Hưng Đạo được đặt trên ban thờ cao trong hậu cung.
KHẢI NGUYÊN (TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN)
http://reds.vn/index.php/nghe-thuat/van-hoc/6167-su-that-phu-phang-ve-nhan-vat-quan-vu-trong-tam-quoc-dien-nghia2

Nhãn: ,

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Giấc mơ hồi sinh phi cơ huyền thoại Concorde

Thứ ba, 29/9/2015

Đã 12 năm trôi qua kể từ khi chiếc Condorde thực hiện chuyến bay cuối cùng, nhưng những người yêu mến phi cơ huyền thoại này vẫn hy vọng nó sẽ xuất hiện trở lại trên bầu trời. 
800px-British-Airways-Concorde-G-BOAC-03
Chiếc Concorde G-BOAC của hãng British Airways. Ảnh: Wikipedia
Ngày 26/11/2003, một trong những chương đáng nhớ nhất của lịch sử hàng không khép lại khi chiếc Concorde thực hiện chuyến bay cuối cùng và hạ cánh xuống sân bay Filton, gần Bristol, Anh. Hành khách sẽ không còn cơ hội đi trên những chuyến bay với tốc độ vượt quá tốc độ âm thanh của phi cơ chở khách nhanh nhất thế giới.
Concorde là một trong hai máy bay dân sự có khả năng bay tốc độ siêu thanh trên thế giới, cạnh tranh với thiết kế của Liên Xô có tên gọi Tupolev Tu-144. Trong 12 năm kể từ khi hai hãng hàng không British Airways và Air France cho Concorde "nghỉ hưu" (hơn 25 năm sau chuyến bay chở khách cuối cùng của Tu-144), chưa máy bay nào khác có thể lấp được khoảng trống về tốc độ nhanh hơn đạn mà nó để lại.
Hồi đầu tháng này, tổ chức Club Concorde tuyên bố đã quyên góp được 182 triệu USD để mua một chiếc Concorde và phục hồi trạng thái bay trước đây của phi cơ huyền thoại. Họ cũng dự định mua chiếc thứ hai và biến nó thành địa điểm du lịch gần Vòng quay Thiên niên Kỷ London Eye.
"Concorde là một trong những phi cơ đẹp nhất từng được chế tạo, một thành tựu về kỹ thuật, một kiệt tác về khí động lực học. Nó còn là hình ảnh hiếm hoi về tương lai chưa từng có trước đây, một tương lai mà những người trẻ ở thập niên 50, 60 và 70 từng mơ ước", tác giả Jonathan Glancey nói, nhấn mạnh rằng đó chính là lý do khiến mọi người yêu mến chiếc máy bay này.
Theo Glancey, Concorde vẫn có thể sánh ngang với các loại máy bay quân sự như Spitfire, Lancaster và Vulcan, thậm chí bay nhanh hơn trong các chuyến bay tầm xa. Nếu một chiếc Concorde được "hồi sinh", sẽ không thiếu hành khách xếp hàng để được trải nghiệm cảm giác đó.
tai-xuong.png
Việc tìm kiếm các phụ tùng thay thế của Condorde sẽ không phải nhiệm vụ dễ dàng. Ảnh: Science Photo Library 
Rào cản
Tuy nhiên, mong muốn đưa một phi cơ đã "về vườn" xuất hiện trên bầu trời chưa đủ để khiến nó bay trở lại. Concorde có thể trông tân tiến và hiện đại như thế hệ Airbus và Boeing, nhưng nó đã không còn là một phương tiện mới vào thời điểm ngưng hoạt động cách đây 12 năm.
Trong khi đó, hầu hết thiết kế của Concorde đều bắt nguồn từ các phương tiện nghiên cứu từng bay vào những năm 1950 và các động cơ rất ngốn nhiên liệu. Theo cựu kỹ sư trưởng Jim O'Sullivan của British Airways, để chạy hết một đường băng, Concorde đốt cháy nhiên liệu còn nhiều hơn so với với một chiếc Boeing 737 có hành trình từ London đến Amsterdam.
Nhiều người tin rằng vụ tai nạn ở Paris, Pháp năm 2000, khiến chiếc Concorde duy nhất gặp nạn trong sự nghiệp, đã đẩy nhanh hồi kết của phi cơ này. Trên thực tế, vấn đề quan trọng hơn cả là chi phí khổng lồ để duy trì hoạt động của Concorde và các yếu tố môi trường. Việc phá vỡ rào cản âm thanh sẽ tạo tiếng nổ siêu thanh và gây náo động ở khu vực nó bay qua. Vì vậy, Concorde không được phép bay với tốc độ Mach 2 cho đến khi bay trên biển.
"Về mặt kỹ thuật, một chiếc Concorde vẫn có thể bay, nhưng điều này phải thuyết phục được Cơ quan Hàng không Dân dụng. Ở góc độ môi trường, một máy bay đơn lẻ gây ồn ào vẫn có thể chấp nhận được. Chúng ta vẫn phấn khích với các cuộc đua ôtô hay hào hứng xem những màn bắn pháo hoa. Nhưng việc hàng loạt máy bay siêu âm xuất hiện trên bầu trời lại là một vấn đề khác", Glancey nói.
Nhiều ý kiến cho rằng Air France và British Airways, hai hãng hàng không vận hành Concorde, đã ngừng khai thác nó quá nhanh. Năm 2013, Ben Lord, thành viên của nhóm Save Concorde Group, từng phát biểu rằng lý do thực sự là vấn đề chính trị và điều này vẫn là rào cản duy nhất hiện nay.
Cơ hội thành công
Avro Vulcan là máy bay ném bom của Không quân Hoàng gia Anh, được sử dụng từ năm 1956 đến năm 1984 trước khi "nghỉ hưu". 13 năm sau đó, Robert Pleming, một cựu giám đốc về công nghệ thông tin, đã đưa ra ý tưởng khôi phục trạng thái bay của phi cơ này. Tổ chức Vulcan To The Sky Trust đã dành 10 năm sau đó để gây quỹ và đưa Avro Vulcan trở lại bầu trời vào tháng 10/2007. 
Khôi phục hoạt động một phi cơ như Vulcan không phải nhiệm vụ dễ dàng, khi mọi thứ đều phải kiểm tra kỹ lưỡng, từ khung máy bay cho đến các động cơ hay từng đoạn trong hệ thống dây.
"Kinh nghiệm của chúng tôi là việc này sẽ tốn thời gian và chi phí gấp đôi so với tính toán ban đầu. Chúng tôi hoàn thành sau 26 tháng với chi phí 7 triệu bảng Anh (hơn 10 triệu USD)", Pleming nói. 
Vulcan có tốc độ tối đa khoảng 1.030 km/h, chỉ bằng một nửa so với Concorde. Nó có thể được "hồi sinh" thành công dựa trên các quy định dành cho máy bay quân sự cũ. Trong khi đó, quy định đối với Concorde nghiêm ngặt hơn bởi đây là phi cơ chở khách. Nó cũng sẽ phải vượt qua được những chứng chỉ bay an toàn trước khi có thể bay trở lại. Điều này sẽ tốn chi phí hơn nhiều con số 7 triệu bảng.
Dibbs.jpg
Hỏa thần Vulcan của Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: vulcantothesky.org
Đối với phi cơ phức tạp hơn nhiều so với Vulcan, mỗi thành phần cấu tạo đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng và thậm chí thay thế nếu cần. Các chuyên gia khôi phục Vulcan may mắn tiếp cận được hệ thống động cơ cần thiết, trong khi điều này trái ngược với trường hợp của Concorde. Các phụ tùng khác cũng không thể tìm thấy bởi chiếc Concorde bay chuyến cuối cùng cách đây 12 năm và đã gần 40 năm trôi qua kể từ khi các dây chuyền sản xuất của Anh và Pháp ngưng hoạt động. Nhóm kỹ sư tham gia chế tạo bộ phận máy bay cũng đều đã nghỉ hưu hoặc qua đời.
Thậm chí nếu khung máy bay Concorde có thể được mua lại, thì đây cũng là một rào cản lớn. Airbus là hãng chế tạo các bộ phận của Concorde, nhưng họ chưa bao giờ thể hiện thái độ ủng hộ sự trở lại nó.
Trong khi đó, Tupolev Tu-144 của Nga đã lội ngược dòng và xuất hiện trở lại sau khi kết thúc sứ mệnh chở hành khách. Cuối những năm 1990, một chiếc Tu-144 đã được sửa lại và trở thành phòng thí nghiệm bay của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Glancey cho rằng số tiền dùng để "hồi sinh" Concorde tốt hơn hết nên đầu tư để chế tạo một phương tiện thay thế hiện đại hơn. Tuy nhiên, thách thức đối với giới nghiên cứu, kỹ sư và các nhà sản xuất là chế tạo được một loại máy bay siêu thanh không tạo tiếng nổ quá lớn.
Thùy Linh (theo BBC)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/giac-mo-hoi-sinh-phi-co-huyen-thoai-concorde-3286757.html

Nhãn: ,

Máy bay siêu tốc từ Mỹ sang Anh mất 30 phút

Thứ năm, 5/11/2015

Các nhà khoa học Canada đang thiết kế một máy bay chở khách không sử dụng tên lửa phóng, có tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh.
sieu-may-bay-cho-khach-toc-do-gap-10-lan-am-thanh
Ý tưởng thiết kế máy bay Skeemr. Ảnh: Ray Mattison
"Chúng tôi sử dụng kết hợp hệ thống phóng điện từ và tên lửa truyền thống để tăng tốc cho máy bay", nhà phát minh Charles Bombardier cho biết. "Tôi biết ý tưởng này rất khó thực hiện, đặc biệt ở các cao độ thấp, nơi không khí còn đặc và nhiệt tích tụ nhanh trên tất cả các bề mặt".
Theo Live Science, Skreemr sẽ cất cánh nhờ trang bị hệ thống phóng điện từ, không sử dụng tên lửa đẩy như những máy bay khác hiện nay. Hệ thống phóng này phải đủ dài cho máy bay tăng tốc dần dần, tránh cho phi công và hành khách phải chịu lực gia tốc quá lớn. N
Các tên lửa sử dụng nhiên liệu oxy lỏng hoặc dầu hỏa chỉ dùng trong giai đoạn sau khi đã cất cánh để tăng độ cao và tốc độ tới Mach 4. Nếu máy bay đã đạt tốc độ này sau giai đoạn phóng thì tên lửa sẽ giúp duy trì nó. Ở giai đoạn tăng tốc cuối, động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scramjet) sử dụng nhiên liệu hydro và oxy nén sẽ được kích hoạt, giúp máy bay đạt tốc độ gấp 10 lần âm thanh, tương đương 12.348 km/h.
Với tốc độ này, Skreemr có thể bay qua New York (Mỹ) tới London (Anh) chỉ trong 30 phút. Máy bay chở khách cỡ lớn hiện mất khoảng 6,5 giờ, còn máy bay chở khách huyền thoại Concorde có tốc độ gấp đôi âm thanh đã ngừng sử dụng năm 2003 mất khoảng 3,5 giờ, theo Popular Science.
Để không dùng tới tên lửa phóng giai đoạn đầu, có hai vấn đề: vật liệu chế tạo phải chịu được nhiệt và áp suất trên máy bay và các phần bên trong máy bay cần chịu được gia tốc của nó.
Hiện Mỹ và Trung Quốc đang phát triển động cơ phản lực tĩnh siêu âm để phục vụ cho mục đích quân sự. Bombardier hy vọng trong tương lai không xa, loại động cơ này có thể được sử dụng trên máy bay Skreemr chở được 75 người. Ý tưởng về Skeemr đã được Bombardier giới thiệu trên The Globe and Mail hôm 25/10.
sieu-may-bay-cho-khach-toc-do-gap-10-lan-am-thanh-1
Sơ đồ nguyên lý hệ thống phóng điện từ. Ảnh: Wikipedia
Nguyễn Thành Minh
http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/san-pham-cong-nghe/may-bay-sieu-toc-tu-my-sang-anh-mat-30-phut-3307360.html

Nhãn: ,

Nghi thức bắn 21 phát đại bác đón nguyên thủ quốc gia

Thứ năm, 5/11/2015

Khi tiếp nguyên thủ quốc gia, nghi thức cao nhất dành cho họ thường có bắn 21 phát đại bác để chào mừng.
nghi-thuc-ban-21-phat-dai-bac-don-nguyen-thu-quoc-gia
Dàn đại bác được bắn trong lễ Quốc khánh 2/9 ở Hà Nội. Ảnh: Quý Đoàn
Nghi thức chào đón bằng bắn đại bác có thể bắt nguồn từ thế kỷ 14 hoặc đầu thế kỷ 17. Khi chiến hạm của một nước tiến vào cảng của một nước khác thì các khẩu pháo trên chiến hạm phải bắn hết đạn. Vì chiến hạm không có đủ thời gian để nạp lại đạn, đây là cách thể hiện thiện chí và chứng tỏ mình không có ý định thù địch.
Theo trang About.com, dẫn thông tin từ Trung tâm Quân đội về Lịch sử Quân sự Mỹ, theo truyền thống, khi một tàu Anh cập cảng nước ngoài, nó sẽ nổ súng 7 lần. Lý do cho con số 7 này vẫn còn là đề tài được tranh luận rộng rãi cho đến ngày nay. Một giả thiết cho rằng phần lớn các tàu chiến Anh vào thời điểm này chỉ có 7 khẩu súng, và vì vậy, bắn 7 phát trở thành tiêu chuẩn để báo hiệu với những người trên bờ rằng tàu đã bắn hết đạn. 
Có những cách giải thích số 7 khác liên quan đến chiêm tinh và Kinh Thánh. 7 hành tinh được xác định và tuần trăng thay đổi sau mỗi 7 ngày. Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ 7 sau khi tạo ra thế giới, vì vậy, khi chọn số 7, người ta có thể ám chỉ con tàu về cảng nghỉ sau một chuyến đi dài.
Vào thời điểm đó, thuốc súng làm từ natri nitrat nên dễ giữ khô trên đất liền hơn trên biển, lực lượng trên bờ cũng sẽ có nguồn cung thuốc súng lớn hơn. Vì vậy, mặc dù tàu chỉ bắn 7 phát, đội pháo trên đất liền của chủ nhà sẽ đáp lại bằng cách bắn ba phát ứng với mỗi phát đại bác từ tàu chiến. Do vậy số lượng phát đạn mà đại bác trên bờ bắn là 3x7=21. Con số 3 có thể được lựa chọn vì nó được coi là có ý nghĩa thần bí trong nhiều nền văn minh cổ đại.
Việc chọn số lẻ được cho là bắt nguồn từ quan chức hải quân Anh Samuel Pepys như một cách để tiết kiệm thuốc súng. Ngoài ra, theo một số quan niệm lịch sử và vùng miền, số lẻ cũng thường được coi là may mắn, còn số chẵn được coi là xui xẻo. Thực tế, từng có thời gian số phát bắn chẵn được dùng để báo hiệu thuyền trưởng đã chết khi trở về từ chuyến đi.
Sau này, khi có nhiều tàu lớn hơn, chất lượng thuốc súng được nâng cao bằng việc sử dụng kali nitrat, tàu ngoài biển có thể thực hiện bắn 21 phát đại bác.
Sau đó, việc bắn 21 phát đại bác dần được coi là nghi thức chào đón chính thức, hơn là một cách tượng trưng để thể hiện không có ý định thù địch. Điều này dường như bắt đầu vào khoảng năm 1730, khi hải quân Anh cho phép tàu và thuyền trưởng thực hiện bắn 21 phát đại bác như một cách để tôn vinh các thành viên Hoàng gia Anh vào một số lễ kỷ niệm. Khoảng 80 năm sau, vào năm 1808, việc bắn 21 phát đại bác chính thức trở thành tiêu chuẩn để tôn vinh hoàng tộc.
Tại Mỹ, nghi thức bắn đại bác có nhiều sự thay đổi trong các năm. Năm 1810, Bộ Chiến tranh Mỹ quy định số lượng phát bắn trong nghi thức "chào đón quốc gia" phải bằng số lượng bang, vào thời điểm đó là 17. Tổng thống Mỹ cũng được nhận số phát đại bác chào đón bằng số bang của nước Mỹ mỗi khi ông đến thăm các đơn vị quân đội. Năm 1818, hải quân Mỹ đưa ra quy định "khi tổng thống thăm một tàu của hải quân Mỹ, ông phải được chào đón bằng 21 phát súng" (số bang nước Mỹ lúc đó là 21).
Năm 1875, Anh đề nghị Mỹ cùng nhau thực hiện nghi thức bắn 21 phát đại bác để chào đón khi quan chức cao cấp hai bên đến thăm lẫn nhau. Mỹ đã đồng ý vào ngày 18/8 năm này.
Ngày nay, việc bắn 21 phát đại bác đã trở thành nghi thức chào đón cao nhất, dùng để chào mừng nguyên thủ quốc gia, hoặc người đứng đầu chính phủ trong một số trường hợp đặc biệt. Trong các trường hợp khác, số lượng phát bắn có thể giảm, tùy theo cấp bậc của người được nhận vinh dự này.
Phương Vũ
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nghi-thuc-ban-21-phat-dai-bac-don-nguyen-thu-quoc-gia-3306672.html

Nhãn: ,