Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Giấc mơ hồi sinh phi cơ huyền thoại Concorde

Thứ ba, 29/9/2015

Đã 12 năm trôi qua kể từ khi chiếc Condorde thực hiện chuyến bay cuối cùng, nhưng những người yêu mến phi cơ huyền thoại này vẫn hy vọng nó sẽ xuất hiện trở lại trên bầu trời. 
800px-British-Airways-Concorde-G-BOAC-03
Chiếc Concorde G-BOAC của hãng British Airways. Ảnh: Wikipedia
Ngày 26/11/2003, một trong những chương đáng nhớ nhất của lịch sử hàng không khép lại khi chiếc Concorde thực hiện chuyến bay cuối cùng và hạ cánh xuống sân bay Filton, gần Bristol, Anh. Hành khách sẽ không còn cơ hội đi trên những chuyến bay với tốc độ vượt quá tốc độ âm thanh của phi cơ chở khách nhanh nhất thế giới.
Concorde là một trong hai máy bay dân sự có khả năng bay tốc độ siêu thanh trên thế giới, cạnh tranh với thiết kế của Liên Xô có tên gọi Tupolev Tu-144. Trong 12 năm kể từ khi hai hãng hàng không British Airways và Air France cho Concorde "nghỉ hưu" (hơn 25 năm sau chuyến bay chở khách cuối cùng của Tu-144), chưa máy bay nào khác có thể lấp được khoảng trống về tốc độ nhanh hơn đạn mà nó để lại.
Hồi đầu tháng này, tổ chức Club Concorde tuyên bố đã quyên góp được 182 triệu USD để mua một chiếc Concorde và phục hồi trạng thái bay trước đây của phi cơ huyền thoại. Họ cũng dự định mua chiếc thứ hai và biến nó thành địa điểm du lịch gần Vòng quay Thiên niên Kỷ London Eye.
"Concorde là một trong những phi cơ đẹp nhất từng được chế tạo, một thành tựu về kỹ thuật, một kiệt tác về khí động lực học. Nó còn là hình ảnh hiếm hoi về tương lai chưa từng có trước đây, một tương lai mà những người trẻ ở thập niên 50, 60 và 70 từng mơ ước", tác giả Jonathan Glancey nói, nhấn mạnh rằng đó chính là lý do khiến mọi người yêu mến chiếc máy bay này.
Theo Glancey, Concorde vẫn có thể sánh ngang với các loại máy bay quân sự như Spitfire, Lancaster và Vulcan, thậm chí bay nhanh hơn trong các chuyến bay tầm xa. Nếu một chiếc Concorde được "hồi sinh", sẽ không thiếu hành khách xếp hàng để được trải nghiệm cảm giác đó.
tai-xuong.png
Việc tìm kiếm các phụ tùng thay thế của Condorde sẽ không phải nhiệm vụ dễ dàng. Ảnh: Science Photo Library 
Rào cản
Tuy nhiên, mong muốn đưa một phi cơ đã "về vườn" xuất hiện trên bầu trời chưa đủ để khiến nó bay trở lại. Concorde có thể trông tân tiến và hiện đại như thế hệ Airbus và Boeing, nhưng nó đã không còn là một phương tiện mới vào thời điểm ngưng hoạt động cách đây 12 năm.
Trong khi đó, hầu hết thiết kế của Concorde đều bắt nguồn từ các phương tiện nghiên cứu từng bay vào những năm 1950 và các động cơ rất ngốn nhiên liệu. Theo cựu kỹ sư trưởng Jim O'Sullivan của British Airways, để chạy hết một đường băng, Concorde đốt cháy nhiên liệu còn nhiều hơn so với với một chiếc Boeing 737 có hành trình từ London đến Amsterdam.
Nhiều người tin rằng vụ tai nạn ở Paris, Pháp năm 2000, khiến chiếc Concorde duy nhất gặp nạn trong sự nghiệp, đã đẩy nhanh hồi kết của phi cơ này. Trên thực tế, vấn đề quan trọng hơn cả là chi phí khổng lồ để duy trì hoạt động của Concorde và các yếu tố môi trường. Việc phá vỡ rào cản âm thanh sẽ tạo tiếng nổ siêu thanh và gây náo động ở khu vực nó bay qua. Vì vậy, Concorde không được phép bay với tốc độ Mach 2 cho đến khi bay trên biển.
"Về mặt kỹ thuật, một chiếc Concorde vẫn có thể bay, nhưng điều này phải thuyết phục được Cơ quan Hàng không Dân dụng. Ở góc độ môi trường, một máy bay đơn lẻ gây ồn ào vẫn có thể chấp nhận được. Chúng ta vẫn phấn khích với các cuộc đua ôtô hay hào hứng xem những màn bắn pháo hoa. Nhưng việc hàng loạt máy bay siêu âm xuất hiện trên bầu trời lại là một vấn đề khác", Glancey nói.
Nhiều ý kiến cho rằng Air France và British Airways, hai hãng hàng không vận hành Concorde, đã ngừng khai thác nó quá nhanh. Năm 2013, Ben Lord, thành viên của nhóm Save Concorde Group, từng phát biểu rằng lý do thực sự là vấn đề chính trị và điều này vẫn là rào cản duy nhất hiện nay.
Cơ hội thành công
Avro Vulcan là máy bay ném bom của Không quân Hoàng gia Anh, được sử dụng từ năm 1956 đến năm 1984 trước khi "nghỉ hưu". 13 năm sau đó, Robert Pleming, một cựu giám đốc về công nghệ thông tin, đã đưa ra ý tưởng khôi phục trạng thái bay của phi cơ này. Tổ chức Vulcan To The Sky Trust đã dành 10 năm sau đó để gây quỹ và đưa Avro Vulcan trở lại bầu trời vào tháng 10/2007. 
Khôi phục hoạt động một phi cơ như Vulcan không phải nhiệm vụ dễ dàng, khi mọi thứ đều phải kiểm tra kỹ lưỡng, từ khung máy bay cho đến các động cơ hay từng đoạn trong hệ thống dây.
"Kinh nghiệm của chúng tôi là việc này sẽ tốn thời gian và chi phí gấp đôi so với tính toán ban đầu. Chúng tôi hoàn thành sau 26 tháng với chi phí 7 triệu bảng Anh (hơn 10 triệu USD)", Pleming nói. 
Vulcan có tốc độ tối đa khoảng 1.030 km/h, chỉ bằng một nửa so với Concorde. Nó có thể được "hồi sinh" thành công dựa trên các quy định dành cho máy bay quân sự cũ. Trong khi đó, quy định đối với Concorde nghiêm ngặt hơn bởi đây là phi cơ chở khách. Nó cũng sẽ phải vượt qua được những chứng chỉ bay an toàn trước khi có thể bay trở lại. Điều này sẽ tốn chi phí hơn nhiều con số 7 triệu bảng.
Dibbs.jpg
Hỏa thần Vulcan của Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: vulcantothesky.org
Đối với phi cơ phức tạp hơn nhiều so với Vulcan, mỗi thành phần cấu tạo đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng và thậm chí thay thế nếu cần. Các chuyên gia khôi phục Vulcan may mắn tiếp cận được hệ thống động cơ cần thiết, trong khi điều này trái ngược với trường hợp của Concorde. Các phụ tùng khác cũng không thể tìm thấy bởi chiếc Concorde bay chuyến cuối cùng cách đây 12 năm và đã gần 40 năm trôi qua kể từ khi các dây chuyền sản xuất của Anh và Pháp ngưng hoạt động. Nhóm kỹ sư tham gia chế tạo bộ phận máy bay cũng đều đã nghỉ hưu hoặc qua đời.
Thậm chí nếu khung máy bay Concorde có thể được mua lại, thì đây cũng là một rào cản lớn. Airbus là hãng chế tạo các bộ phận của Concorde, nhưng họ chưa bao giờ thể hiện thái độ ủng hộ sự trở lại nó.
Trong khi đó, Tupolev Tu-144 của Nga đã lội ngược dòng và xuất hiện trở lại sau khi kết thúc sứ mệnh chở hành khách. Cuối những năm 1990, một chiếc Tu-144 đã được sửa lại và trở thành phòng thí nghiệm bay của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Glancey cho rằng số tiền dùng để "hồi sinh" Concorde tốt hơn hết nên đầu tư để chế tạo một phương tiện thay thế hiện đại hơn. Tuy nhiên, thách thức đối với giới nghiên cứu, kỹ sư và các nhà sản xuất là chế tạo được một loại máy bay siêu thanh không tạo tiếng nổ quá lớn.
Thùy Linh (theo BBC)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/giac-mo-hoi-sinh-phi-co-huyen-thoai-concorde-3286757.html

Nhãn: ,

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ