Hành trình 6 ngày ở Hy Lạp, miền đất khiến bạn tin rằng: Thiên đường là có thật
6 ngày lang thang ở Hy Lạp, từ Athens đến Santorini của hai người bạn chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho bạn được một lần đặt chân đến miền đất này, miền đất nơi thiên đường là có thật.
Ngày ấy cả hai đứa đều là những "du học sinh mới" và khung trời châu Âu trong xanh khi ấy cũng chẳng thể giúp chúng tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.
Khi tuyết ngừng rơi và nắng lại đến, hai đứa cuồng quay trong bài vở và việc làm, thế nhưng nhờ những tháng ngày ấy, hai đứa đã bớt "non" và Châu Âu trong mắt hai đứa không còn mơ hồ nữa.
Ngoài giảng đường đại học với một nền văn hoá mới, Châu Âu đối với 2 đứa bây giờ là những chuyến tàu dài, những chặng bus đêm và thi thoảng, là những chuyến bay đầy hào hứng. Châu Âu là những ngày Croatia biển nắng, nó vùng vẫy vô tư trong làn nước mát lành, còn tôi thì chắc đang lang thang đâu đó giữa phố xá nhỏ cũ kỹ ở Praha. Châu Âu là những ngày tuyết trắng, là ngày mưa ngày nắng, là núi là rừng, là thành phố phồn hoa nhộn nhịp, là nơi tuổi trẻ của 2 đứa chậm rãi bắt đầu. Dù là bây giờ hay mãi về sau, châu Âu với hai đứa sẽ vẫn là những ngày tháng tuổi trẻ sục sôi đầy sức sống, làm việc không ngừng nghỉ, chỉ đợi khi nắng đẹp về, book nhanh vé tàu, ngủ một giấc để khi tỉnh dậy thấy mình đang ở một nơi xa.
4 mùa hè qua đi và châu Âu trở thành tri kỷ. Hè năm ấy, chúng tôi quyết tâm lên đường khám phá khoảng trời còn bỏ ngỏ năm xưa. Cuối tháng 8, chúng tôi 5 người, lên đường đi Hy Lạp.
Xuất phát từ Berlin, điểm đến đầu của chúng tôi là Athens - thủ phủ của Hy Lạp. Chưa đầy hai giờ đồng hồ sau, Athens dần trở nên rõ ràng qua ô cửa sổ máy bay. Những ngày hè trắng xoá và vàng rực đã chực chờ trải ra trước mắt còn chúng tôi tựa lũ trẻ nhỏ, hân hoan với niềm vui khi nắng tràn về.
Đứng xếp hàng ngay ngắn, trình thẻ sinh viên, mua được vé rẻ, chúng tôi di chuyển nhanh xuống ga tàu. So với Berlin thì hệ thống tàu xe ở Athens khá mỏng và dễ hiểu. Tàu Metro nối trung tâm thành phố với các điểm quan trọng như sân bay, bên tàu thuỷ và các khu danh lam thắng cảnh. Tàu Metro chỉ có ba tuyến, chia thành màu xanh lá cây, đỏ và xanh dương trên bản đồ. Vì sân bay là bến đầu của tuyến màu xanh dương, chẳng lo lên nhầm tàu, chúng tôi hớn hở kéo vali bước nhanh vào khoang tàu vắng khách. Cảnh vật xa lạ vụt qua nhanh ngoài khung cửa sổ và trung tâm thành phố chỉ hiện ra sau 40 phút ngồi tàu.
Monastiraki là trung tâm thành phố. Từ bến Metro Monastiraki qua một vài con phố nhỏ là đã đến được Hostel Sparta Team. Hostel ngay giữa trung tâm với giá khá rẻ vậy nên dịch vụ và vệ sinh không được tốt, thế nhưng đi lại và ăn uống thì khá thoải mái và tiện lợi. Vì Athens khá nhỏ, chúng tôi chỉ dành ra 2 ngày 1 đêm.
Vẫn nhớ khi còn nhỏ, Hy Lạp trong tâm trí tôi chỉ là những tập truyện tranh về thần thoại 12 vị thần trên đỉnh Olympus. Hy Lạp gắn liền với hình ảnh thần Zeus cùng quyền năng của bầu thời và sấm sét hay Apollo và chiếc đàn lia (lyre).
Thế nhưng, mùa hè năm ấy, khi chúng tôi cùng nhau đi qua những con đường đan chéo và qua quảng trường lớn Omonoia, tôi biết rằng Athens không đơn giản chỉ là những câu chuyện thần thoại tôi nghe khi còn bé, mà đằng sau đó là những dấu tích và bề dày lịch sử của cả một nền văn minh La Mã lâu đời.
Rải rác khắp xung quanh thành phố là những di tích gợi nhớ về thời kỳ hào sảng ấy, khi Athens còn là một trong những vùng giao thương lớn nhất toàn châu Âu. Những dấu tích quan trọng nhất còn sót lại của nền văn minh khi ấy đều tập trung ở xung quanh đồi Acropolis. Ví dụ như đền Parthenon - nơi tôn vinh nữ thần đồng trinh Athena, người bảo trợ cho Athens. Hoặc như nhà hát cổ Dionysus với sức chứa lên đến 17.000 người. Ngoài ra còn đền thờ Erechthion và cả khu di tích Ancient Agora nữa.
Thú vị nhất khi ở Athens là đi dạo trên những con ngõ nhỏ, lúc theo bậc thang lên tận đỉnh đồi, lúc thì lạc vào cả một khu phố cổ vắng toàn hoa giấy. Buổi chiều chiều đến, khi nắng không còn gắt, chúng tôi lại thong dong đi dạo trên những con phố cổ Plaka.
Từ Athens đến Santorini bằng máy bay mất chẳng đến một giờ đồng hồ. May mắn tìm được vé máy bay giá rẻ nhưng bù vào đấy, chúng tôi hạ cánh đúng nửa đêm. Do đi theo nhóm khá đông, chúng tôi lại may mắn thoả thuận được bác chủ nhà đến đón. Bác vui vẻ và nhiệt tình, tuy không nói nhiều tiếng Anh, nhưng bằng một cách nào đấy bác luôn hiểu chúng tôi muốn nói gì. Bác bảo rằng bác rất thích người châu Á.
Khu nhà của bác là Pension Stella ở làng Karterados, có bể bơi nhỏ, phòng thoáng mát, sạch sẽ và giá cả lại cực kỳ phải chăng. Dù không nằm ở trung tâm đảo (làng Fira) nhưng xung quanh nhà bác nào là siêu thị, hàng bánh mỳ, bánh ngọt, đến cả những quán ăn Âu Á và cả những hàng tạp hoá nhỏ rải rác dọc đường về. Nhà bác cách bến bus tầm 2 phút đi bộ, từ đây sẽ có bus về trung tâm hay đi ra biển (Red Beach)
Đêm hôm ấy khi đến được nhà bác, cả lũ chỉ kịp xách đồ vào phòng và sau đó chìm vào giấc ngủ thật nhanh. Vậy là chúng tôi đã đến Santorini thật, bốn năm về trước hòn đảo này chỉ là một giấc mơ.
Sáng hôm sau, khi bước chân ra khỏi phòng, Santorini trải dài trong màu trắng và màu nắng làm lũ chúng tôi lơ ngơ mãi chẳng thốt được thành lời. Dương đi cạnh tôi, miệng cười như khi chúng tôi lần đầu nhìn thấy tuyết. Thằng An thì đi đằng trước, mặt bớt vui hơn vì những trận gió khoẻ cứ tạt mãi làm áo nó bay phần phật không ngừng.
Tôi tự nhủ. Hòn đảo và những ngôi nhà trắng xoá mà chúng tôi chỉ dám mơ về.
Sau này khi có chút thời gian tìm hiểu, tôi mới biết Santorini thực chất được hình thành nhờ sự phun trào của núi lửa ngầm dưới biển cách đây đã hơn 3600 năm. Những gì còn sót lại của trận phun trào vô tình dành tặng cho nơi đây một lớp đất đai màu mỡ, giúp việc trồng trọt nói chung, đặc biệt là trồng nho cực kỳ thuận lợi. Đó cũng chính là lí do tại sao rượu ở Santorini luôn có một hương vị rất đặc biệt mà không một vùng đất nào có thể bắt chước theo.
Về kiến trúc, những ngôi nhà màu trắng tinh khôi, dáng hang động cùng mái vòm độc đáo là kết quả của những nỗ lực của các nhà kiến trúc sư khi đó, nhằm hạn chế ảnh hưởng của những trận gió biển mạnh ngày ngày hướng vào đảo và cũng giúp làm giảm bức xạ mặt trời. Mái vòm màu xanh Coban vừa tạo tính hài hoà, lại vừa giúp xua đuổi ma quỷ và những điều không lành theo tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Ở Santorini có bốn ngôi làng chính mà theo tôi, nhất định ai cũng phải dành thời gian ghé thăm. Tính từ Stella Pension (làng Karterados), bốn ngôi làng đó nằm trải dài lần lượt về hướng bắc. Ngày đầu tiên tại Santorini, chúng tôi quyết định đi bộ để nắm bắt địa hình. (tham khảo bản đồ bên dưới)
Ngôi làng đầu tiên và cũng là ngôi làng gần nhất tính từ Stella Pension là Fira. Fira cách chúng tôi 15 phút đi bộ và là điểm trung chuyển chính của cả đảo. Tất cả các chuyến bus trên đảo đều khởi hành từ Fira, vì vậy cũng không quá ngạc nhiên khi Fira là trung tâm văn hoá và kinh tế của toàn đảo.
Từ Fira đi bộ về phía bắc khoảng 10 phút nữa là làng Firostefani. Cũng vẫn là những ngôi nhà trắng cực kỳ bắt mắt nhưng Firostefani kém sầm uất và kém đông vui hơn hẳn Fira. Nhưng điều đó cũng chẳng thể làm chúng tôi phiền lòng. Đi bộ giữa Firostefani có cảm giác thoải mái và dễ thở hơn rất nhiều.
15 phút đi bộ tiếp về hướng bắc là Imerovigli. Ngôi làng toạ lạc ở vị trí cao nhất đảo, đồng nghĩa với một lời hứa hẹn về những buổi chiều hoàng hôn đầy lãng mạn.
Oia là ngôi làng cuối. Vì là ngôi làng nổi tiếng nhất và cũng là ngôi làng xa nhất, chúng tôi quyết dành trọn một ngày để khám phá từng ngóc ngách ở đây. Cả ngày lang thang khắp nẻo tôi có cảm giác Oia còn sầm uất hơn cả Fira. Làng nhiều khách du lịch, nhiều quán xá, nhiều giàn hoa giấy và rất nhiều mèo. Còn mặt trời lặn ở Oia thì chắc chắn chỉ có thể gọi ngắn gọn là một tuyệt tác.
Những ngày sau đó, chúng tôi tranh thủ đi thăm nốt một số những điểm còn lại trên đảo. Đi ngược về phía làng Fira là biển đỏ thuộc làng Akrotiri. Biển cực kỳ trong nhưng nước vẫn còn khá lạnh. Sau đó nữa là tour bằng phà đến một số làng khác xung quanh đảo và đến cả đảo núi lửa ngay đối diện Santorini. Núi lửa thì đã ngưng hoạt động nhưng chỉ đào hơi sâu xuống đất ở một vài điểm, người ta vẫn có thể thấy khói nóng bốc lên và gió ở đảo thì cực kỳ mạnh.
Chuyến phà hôm ấy chúng tôi đi cũng dừng lại ở một nguồn biển nóng (hot spring), nhưng chỉ những người bơi giỏi mới dám xuống thôi. Tôi vẫn nhớ hôm đó Châu và Martin cũng hăm hở lắm nhưng chỉ mấy phút sau tôi đã thấy người ta đưa phao cứu Châu lên phà (haha). Chuyến phà vòng tròn, dừng lại điểm cuối ở chân vách núi dưới làng Oia. Leo cầu thang mệt nhoài mới lên được đến trên làng, chúng tôi tranh thủ đứng chờ mặt trời lặn lần cuối trên đảo, trước khi đi tìm đồ ăn bỏ bụng rồi lên bus ra về.
Ở Santorini bao nhiêu ngày thì có lẽ từng ấy ngày chúng tôi ăn hải sản. Một đĩa hải sản nướng thập cẩm có giá dao động khoảng 20€ (520.000VND) rất ngon và khá đầy đặn. Mua 1 combo cho 2 hoặc 4 người thì thường rẻ và nhiều hơn mua đĩa riêng. Các quán ăn thì đều có thực đơn kèm giá ở ngoài cửa, thế nên việc của chúng tôi chỉ là chọn một quán vừa ý và thưởng thức bữa ăn thôi.
Khi chuỗi ngày hè ở thiên đường kết thúc, tôi nghĩ rằng mỗi đứa chúng tôi đều có ít nhất một câu chuyện cho riêng mình - để kể và để hồi tưởng lại.
Tôi thì thích kể về những ngày siêu nắng, chúng tôi có mũ nhưng chẳng đội được lâu vì gió thổi ngoài biển vào mạnh quá. Đứa nào đứa nấy đều đen đi trông thấy nhưng vẫn bêu mặt ra cả ngày. Hoặc không thì tôi sẽ kể về buổi chiều hôm ấy ở Oia, khi tiếng vỗ tay bỗng nổ thành tràng dài khi mặt trời vừa khuất bóng.
Bạn của tôi à,
Luận