Tên lửa chống tăng đang trở thành vũ khí làm “lu mờ” vai trò của xe
tăng chiến đấu chủ lực trên chiến trường. Với khả năng cơ động cao, hỏa
lực mạnh, tên lửa chống tăng có thể tiêu diệt bất kỳ xe tăng nào chỉ với
một phát bắn.
Vì lợi thế đó, các quốc gia trên thế giới đã đầu tư khá nhiều tiền
cho các chương trình phát triển tên lửa chống tăng. Trong đó, Nga-Mỹ
được xem là 2 quốc gia thống lĩnh thị trường tên lửa chống tăng thế
giới. Với Mỹ, Javelin là tên lửa chống tăng chủ lực cho bộ binh cơ động,
trong khi đó 9M133 Kornet (AT-14 Spriggan) cũng là tên lửa chống tăng
chủ lực cho bộ binh Nga.
Nga phát triển khá nhiều dòng tên
lửa chống tăng nhưng trong khuôn khổ bài viết này chỉ so sánh tính năng
của Javelin và Kornet vì 2 loại tên lửa chống tăng này đều được đưa vào
sử dụng từ giữa những năm 1990.
Thiết kế
FGM-148 Javelin là một tên lửa chống tăng cá nhân sử dụng cho bộ binh
chống tăng cơ động. Ống phóng tên lửa được thiết kế kiểu vác vai 1
người bắn nhưng thông thường kíp chiến đấu luôn có 2 người. Ống phóng có
chiều dài 1,2 mét, đường kính 142mm, tên lửa có chiều dài 1,1 mét,
đường kính 127mm, trọng lượng phóng 22,3kg.
FGM-148 Javelin (ở trên) và 9M133 Kornet (ở dưới) đều được thiết kế cho bộ binh chống tăng cơ động.
Ống phóng tên lửa có tích hợp sẵn thiết bị ngắm mục tiêu hồng ngoại,
tạo thuận lợi cho xạ thủ trong việc quan sát mục tiêu. Do kiểu thiết kế
vác vai nên tên lửa Javelin có khả năng ngụy trang khá tốt cũng như khả
năng cơ động cao.
Trong khi đó, Kornet được thiết
kế để phóng từ giá phóng, nó được trang bị chân phóng 9P163-1, chân
phóng này được trang bị kính ngắm 1PN79-1. Chân phóng và ống phóng có
thể tháo rời khi hành quân. Kornet có chiều dài 1,2 mét, đường kính
152mm, trọng lượng phóng 29kg. Để vận hành Kornet cần đến 2 người, thiết
kế của Kornet khá cồng kềnh, khả năng ngụy trang và cơ động kém.
Javelin sử dụng kiểu “phóng mềm”, tên lửa sẽ được đẩy ra khỏi ống
phóng bằng một rocket nhỏ, đến một khoảng cách nhất định, động cơ chính
sẽ được kích hoạt. Giải pháp thiết kế này vừa đảm bảo an toàn cho ê kíp
chiến đấu, vừa giúp tên lửa có thể phóng ở những không gian chật hẹp, vị
trí phóng ít bị lộ hơn.
Kornet sử dụng kiểu phóng cứng, động cơ tên lửa sẽ được kích hoạt từ
trong ống phóng. Điều này đòi hỏi không gian phía sau ống phóng phải đủ
rộng để triệt tiêu phản lực từ động cơ của tên lửa. Kornet gặp khó khăn
khi hoạt động tác chiến tại các khu vực chật hẹp, trong các khu đô thị.
Cơ chế dẫn hướng
Javelin là một tên lửa chống tăng “bắn-quên”. Các thông số về mục
tiêu sẽ được nạp vào tên lửa thông qua hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục
tiêu tích hợp sẵn trên ống phóng. Sau khi phóng đi, tên lửa sẽ sử dụng
đầu dò hồng ngoại để tự động bám theo mục tiêu mà không cần sự can thiệp
hay dẫn hướng thêm của người phóng.
Cơ chế dẫn hướng này cho phép ê kíp chiến đấu nhanh chóng rút khỏi vị
trí ngay sau khi bắn. Họ có thể nhanh chóng chuyển sang mục tiêu khác
hạn chế việc bị đối phương phát hiện và bắn trả. Tuy nhiên, cơ chế dẫn
hướng này tồn tại một nhược điểm là hệ thống điều khiển hỏa lực chỉ có
thể nạp tham số cho mục tiêu trong vòng 2,5km trở lại khiến Javelin
thiếu khả năng tác chiến tầm xa.
Javelin
(ở trên) là một tên lửa "bắn-quên" trong khi với Kornet (ở dưới), xạ
thủ phải duy trì đường ngắm cho đến khi tên lửa chạm mục tiêu.
Còn Kornet sử dụng cơ chế dẫn hướng bám chùm laser bán tự động
SACLOS. Nó có nguyên tắc hoạt động như sau: thiết bị ngắm và chỉ thị mục
tiêu sẽ phát ra một tín hiệu hướng đến mục tiêu, ví dụ như chùm tia
laser, một thiết bị cảm biến ở đuôi tên lửa sẽ cho phép nó “nhìn thấy”
chùm laser chỉ thị, thiết bị điện tử trên tên lửa sẽ duy trì đường bay
của tên lửa trong trung tâm của chùm tia laser cho đến khi chạm mục
tiêu.
Cơ chế dẫn hướng này có ưu điểm là rất khó gây nhiễu, độ chính xác
khá cao nhờ mục tiêu luôn được duy trì trong tầm ngắm. Xạ thủ có thể nắm
bắt được mục tiêu đã bị tiêu diệt hay chưa để chuyển sang mục tiêu
khác. Tuy nhiên, nó tồn tại nhược điểm lớn là xạ thủ phải duy trì đường
ngắm cho đến khi tên lửa chạm mục tiêu. Vị trí bắn có thể bị lộ và nguy
hiểm cho xạ thủ khi đối phương bắn trả.
Sức mạnh hỏa lực
Kornet có trọng lượng lớn hơn nên phạm vi tác chiến cao hơn, tên lửa
có tầm bắn đến 5.500 mét, biến thể Kornet-EM có tầm bắn lên đến 10.000
mét. Tên lửa được trang bị đầu đạn liều đúp nặng 10kg, có khả năng xuyên
giáp đến 1.200mm sau khi phá giáp cảm ứng nổ. Kornet cũng có thể sử
dụng đầu đạn nhiệt áp để tiêu diệt bộ binh trú ẩn trong hầm hào, công
sự. Ngoài ra, Kornet cũng có thể tiêu diệt trực thăng bay thấp.
Kornet
(ở trên) được thiết kế tấn công trực diện nên có sức xuyên giáp đến
1.200mm sau giáp cảm ứng nổ. Javelin (ở dưới) thực hiện kiểu tấn công
đột nóc từ trên cao nên có thể diệt mọi loại tăng.
Javelin có trọng lượng nhẹ hơn nên phạm vi hoạt động ngắn hơn, tên
lửa chỉ có tầm bắn hiệu quả khoảng 2.500 mét. Tên lửa cũng được trang bị
đầu đạn liều đúp nặng 8,4kg, khả năng xuyên giáp của Javelin không được
công bố nhưng nó được thiết kế để chống tăng theo kiểu “đột nóc” từ
trên cao nên có thể tiêu diệt mọi loại xe tăng.
Tên lửa Javelin được phóng ở góc nghiêng 18 độ cho kiểu tấn công đột
nóc, nó cũng có khả năng phóng ngang trong các trường hợp tấn công trực
tiếp.
Chi phí
Nhược điểm lớn của Javelin là tên lửa này có chi phí rất cao, mỗi tên
lửa có đơn giá tới 78.000 USD, ống phóng có đơn giá 126.000 USD. Đơn
giá của Javelin tương đương với một chiếc siêu xe. Trong khi đó, giá cả
phải chăng luôn là lợi thế của vũ khí Nga nói chung và Kornet nói riêng.
Theo đơn giá Kornet bán cho Peru năm 2010 thì cả tên lửa và giá phóng
có đơn giá khoảng 102.000USD.
Javelin có lợi thế về sự linh hoạt và cơ chế dẫn hướng, Kornet chiếm
ưu thế về hỏa lực mạnh, tầm bắn xa và chi phí phải chăng hơn. Javelin
cũng đã hạ đo ván nhiều xe tăng Nga trong chiến tranh Iraq năm 2003,
Kornet cũng đã “nướng chín” xe tăng M1 Abrams của Mỹ và cỗ xe tăng bất
khả chiến bại Merkava IV của Israel. Hai loại tên lửa chống tăng này
xứng đáng là những “ sát thủ diệt tăng ” hàng đầu thế giới.
Theo Soha
http://genk.vn/quan-su/sat-thu-diet-tang-javelin-my-hay-kornet-nga-dang-so-hon-20140208000057254.chn