Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

K-Pop: Bí mật của sức mạnh mềm khiến Hàn Quốc chinh phục cả thế giới

15:04, 05/02/2018


Ra đời để cứu nguy cho “sự ô nhục” của Đại Hàn, chấp nhận đào tạo trong lò địa ngục, hàng triệu thần tượng K-pop tiết lộ bí mật về sự ‘xâm lăng’ của văn hoá Hàn Quốc: Văn hoá truyền thống không phải ở trong bảo tàng. Nó là sức mạnh mềm có thể thay đổi cả thế giới!
Mới nổi lên chỉ khoảng 2 thập kỷ qua, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đặc biệt là các nhóm nhạc “Thần tượng” đã giúp đất nước này thu về rất nhiều lợi ích kinh tế và tạo dựng một hình ảnh “Hàn Quốc sành điệu”, như cách nhà văn Euny Hong hài hước nhận định.
Chỉ riêng trong tháng 10 năm 2017, những buổi họp mặt với người hâm mộ (fan meeting) của các nhóm nhạc Thần tượng (Idol) và diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc tại Đài Loan đã bán được 47.000 lượt vé, thu về hơn 112 tỷ đồng. Thông thường, các buổi mở bán vé trên mạng của những xuất diễn ngoài hải ngoại với hàng nghìn vé đều hết sạch trong vòng vài phút.
Làn sóng Hàn Quốc đã khiến Trung Quốc và Nhật Bản lo lắng, thậm chí phát động phong trào chống Hàn lưu. Và quả thật văn hóa Hàn đã lan tỏa và ảnh hưởng tới rất nhiều các quốc gia trên toàn thế giới, từ Mỹ, châu Âu, Mỹ La tinh, Đông Nam Á, Tây Á cho tới tận châu Phi, châu Úc.
Văn hóa Hàn đã lan tỏa và ảnh hưởng tới rất nhiều các quốc gia trên toàn thế giới. (Ảnh: thespruce.com)
Nhưng K-Pop có đơn giản chỉ là những nhóm nhạc đông đảo và bắt mắt. Với kiểu vũ đạo tập thể chính xác, ăn khớp một cách hoàn hảo. Những bài Hook song (ca khúc có giai điệu bắt tai, lặp đi lặp lại nên rất dễ “gây nghiện”). Những màn “thời trang sân bay” thu hút, phong cách ăn mặc từ đời thường đến trên sân khấu đều được chăm chút tinh tế và tạo thành xu hướng. Cùng với đó là hình ảnh cá nhân với những phẩm chất, lối sống hoàn hảo hay đầy cá tính trong mắt người hâm mộ.
Sự “xâm lăng” của K-Pop có phải chỉ khiến giới trẻ mê đắm trong thế giới hoàn hảo của các Idol. Bắt chước họ từ cách ăn mặc, cử chỉ cho tới định hướng cho tương lai. Mặc dù không thể phủ nhận rằng các Idol khiến giới trẻ coi trọng và hướng tới các giá trị vật chất và hình thức nhiều hơn.
Nhưng người hiểu chuyện, khi nhìn vào bất kỳ sự kiện nào cũng đều nên tìm ra những bài học đáng giá cho mình. Với sự khách quan và cầu thị, chúng ta có thể nhận ra đằng sau thành công của K-Pop ẩn chứa những điều rất có ý nghĩa cho bản thân mỗi người và cả quốc gia.
Các “Thần tượng” ra đời để cứu nguy cho “sự ô nhục” của Đại Hàn
Ít ai có thể ngờ rằng sự ra đời của cơn sóng thần Hàn lưu lại là từ trong khủng hoảng kinh tế. Năm 1997, khi cả châu Á chao đảo vì khủng hoảng tiền tệ, các ngành công nghiệp của Hàn Quốc đóng băng và họ phải vay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 57 tỷ USD.
Trong suy nghĩ của người Hàn, đó là sự ô nhục và đầy đau đớn. Đến mức, Tổng thống lúc đó là ông Kim Young Sam đã thừa nhận trên sóng truyền hình rằng “ngày nào cũng tự đánh mình” do quá xấu hổ vì đã đẩy đất nước vào con đường này. Thế nhưng, Hàn Quốc đã chỉ dùng đến 1/3 số tiền vay và trả hết nợ trước thời hạn 3 năm.
Tinh thần vượt khó của dân tộc này vẫn luôn là điều khiến các nước trong khu vực phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên ít ai có thể ngờ rằng, trong lúc bế tắc, một trong những cách “kiếm tiền” của họ lại là bán nhạc và phim.
Tổng thống mới nhậm chức Kim Dae Jung, trước thách thức phải giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng đã có một quyết định đầy táo bạo. Xây dựng ngành công nghiệp giải trí có tầm ảnh hưởng quốc tế và gây dựng thương hiệu quốc gia để thu hút đối tác, nhà đầu tư.
Tổng thống Kim Dae Jung, trước thách thức phải giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng đã có một quyết định đầy táo bạo PR cho quốc gia của mình bằng văn hóa. (Ảnh: nobelprize.org)
Ở một đất nước châu Á đầy khắt khe và nhiều quy tắc, một vị tổng thống đã đích thân gọi điện cho một chuyên gia PR để bàn về kế hoạch PR cho quốc gia của mình bằng văn hóa. Đồng thời, gây dựng một ngành công nghiệp hoàn toàn mới mà không cần cơ sở hạ tầng tốn kém.
Có thể nói chính phủ Hàn Quốc đã có quyết định đúng đắn.Theo thống kê của Cục nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), ngành công nghiệp K-Pop đã thu về 3,4 tỷ USD trong năm 2011. Số liệu này đã tăng liên tục với tốc độ gần 80% hàng năm kể từ 2007. Theo nghiên cứu, cứ mỗi 100 USD nhạc Hàn được tiêu thụ ở nước ngoài, thì lại có thêm 395 USD hàng điện tử như điện thoại di động hay tivi được xuất khẩu.
Và giờ đây, khó có thể tin được một trong những công việc của nhân viên Bộ Văn hóa Hàn Quốc lại là nghiên cứu về thực tế ảo và công nghệ ba chiều (hologram) siêu thực để tạo ra một buổi trình diễn chân thực cho các “Thần tượng” K-Pop. Hay nghiên cứu cầu vồng nhân tạo, pháo hoa có thể điều khiển họa tiết theo ý muốn… nhằm phục vụ các sân khấu nghệ thuật hoành tráng bậc nhất.
Chính phủ Hàn Quốc đã góp phần tạo nên làn sóng K-Pop mạnh mẽ ngày nay nhưng chính truyền thống văn hóa từ bao đời lại là một nhân tố quan trọng khiến K-Pop rất khác so với văn hóa nhạc Pop hiện đại khác trên thế giới.
Lò đào tạo “địa ngục” nhưng vẫn thu hút hàng triệu người trẻ mỗi năm
Các công ty và hãng thu âm thường phải lùng tìm, đào tạo các “Thần tượng” từ khi còn nhỏ với đủ các loại kỹ năng cần cho một nghệ sĩ giải trí sau này. Lịch trình học tập căng thẳng, kỷ luật như trong quân đội, sự đào thải khắt khe và chia chác quyền lợi không hợp lý là những điều đã được tiết lộ từ chính những người trong cuộc.
Lịch trình học tập căng thẳng, kỷ luật như trong quân đội, sự đào thải khắt khe và chia chác quyền lợi không hợp lý thế nhưng hàng năm vẫn có hàng triệu bạn trẻ tham gia. (Ảnh: youtube.com)
Thế nhưng hàng năm vẫn có hàng triệu bạn trẻ tham gia các vòng thi tuyển làm thực tập sinh cho các “đế chế” giải trí lớn của Hàn Quốc. Dành cả tuổi thanh xuân của mình để nhào lộn, nhảy múa, luyện thanh cho tới học cách ứng xử để mong có ngày trở thành người nổi tiếng. Ngoài sức hút quá lớn từ danh lợi, điều kiện tốt để thỏa mãn đam mê hay đơn giản chỉ là để được đi con đường mình lựa chọn, điều gì đã khiến những đứa trẻ đó quyết tâm tới cùng và đặt mình vào vị trí luôn có thể bị đào thải bất kỳ lúc nào như vậy?
Có những Idol sau khi từ giã ngành giải trí đầy khắc nghiệt, đã tiết lộ rằng họ phải tập luyện liên tục từ khi còn nhỏ, trong một môi trường khắc nghiệt như họ gọi là “lò đào tạo địa ngục”. Họ phải học rất nhiều kỹ năng ngoài chuyên môn ca hát và nhảy múa. Thông thường, lịch học sẽ kéo dài từ 9 – 10h sáng ngày hôm trước đến 2 – 3h sáng ngày hôm sau.
Các thực tập sinh cũng luôn bị theo dõi rất sát sao các chỉ số thể hình. Sana của nhóm nhạc Twice tiết lộ: “Khi đó chúng em ở ký túc xá và cực kì thèm ăn chân giò. Nhưng do có CCTV (máy quay an ninh) ở phía trước cửa nên chúng em không thể ra ngoài nhận hàng, vì vậy em đã nghĩ cách”. Các thành viên đã buộc giây giày lại với nhau để đưa tiền cho người giao hàng thông qua chiếc giày và nhờ người giao hàng cột chân giò vào đầu dây kéo để họ kéo lên.
Áp lực học hành lúc nào cũng rất khủng khiếp. Nhóm nhạc TVXQ từng bị giáo viên mắng mỏ và đánh đòn khi có thái độ tập luyện không tốt. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc công ty giải trí MC, Kim Cheong Fan, ông cảm thấy việc “bị đánh đập cũng chưa phải chuyện gì đáng sợ, có khả năng chịu đựng được thì sau này khi gặp phải chuyện gì khó khăn cũng sẽ không bao giờ thấy sợ hãi. Nếu không chịu được như vậy thì có lẽ bạn không thích hợp với nghề này, nên sớm rút lui để tìm lại chính mình. Đó mới là việc nên làm”. Còn quản lý của các ngôi sao thì cho rằng có đào tạo khắc nghiệt thì các học viên mới “nên người”.
Các thực tập sinh cũng thường phải chờ đợi và trau dồi kỹ năng rất lâu mới được debut (ra mắt công chúng). Anh chàng G. Soul của công ty JYP đã phải làm thực tập sinh 15 năm trước khi được debut làm ca sĩ hát solo. Thủ lĩnh G- Dragon của nhóm nhạc nam thành công nhất Hàn Quốc hiện nay, Bigbang cũng phải chờ đợi 11 năm trong kiên nhẫn mặc dù anh được coi là thần đồng và tham gia vào ngành công nghiệp giải trí từ khi còn rất nhỏ. Hay như những Min (Miss A), Jokwon (2AM) và Jessica (cựu thành viên SNSD) đã làm thực tập sinh trong suốt gần 8 năm.
Đến khi được debut trở thành Idol thì họ vẫn phải làm việc với lịch trình dầy đặc, có khi chỉ được ngủ 30 phút một ngày. Ca sĩ Suzy được mệnh danh là “tình đầu quốc dân” cũng phải thốt lên rằng: “Tôi đã đánh mất nụ cười, từ sau khi ra mắt, tôi chẳng có lấy một phút ngơi nghỉ, dù rất biết ơn nhưng tôi cũng mệt mỏi lắm”.
Ca sĩ Suzy phải thốt lên rằng: “Tôi đã đánh mất nụ cười, từ sau khi ra mắt, tôi chẳng có lấy một phút ngơi nghỉ, dù rất biết ơn nhưng tôi cũng mệt mỏi lắm”. (Ảnh: miner8.com)
Năng lượng từ “Han” là cái gốc của mọi “kỳ tích” đóng mác Hàn Quốc
Nhà phê bình văn hóa Lee Moon Won đã nói về cách người phương Tây nhìn người Hàn như sau: “Họ nghĩ chúng ta đều là robot. Chúng ta không thể làm gì với cách người phương Tây nhìn chúng ta. Người Hàn bỏ công sức như nhau cho mọi thứ, dù là thi Đại học hay công việc văn phòng. Hàn Quốc là biểu tượng cho sự chăm chỉ” – (trích “Giải mã Hàn Quốc sành điệu” của Euny Hong).
Có một đặc điểm mà người ta đều sẽ luôn nhắc tới khi phân tích về bất kỳ một kỳ tích nào của người Hàn Quốc. Đó là văn hóa “Han” – một khái niệm không thể dịch ra các thứ ngôn ngữ khác cũng giống như “Hygge” của Đan Mạch hay “Sisu” của Phần Lan.
“Han” là từ viết tắt của “Han tan” nghĩa là sự chua xót, kìm nén tức giận. Đó là cảm giác được hình thành qua năm tháng khổ cực, phải chịu những áp bức và thiệt thòi liên tục. Đó là gánh nặng trên vai, là sự pha trộn giữa hy vọng và đau thương.
Trong suốt 5.000 năm lịch sử, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã từng bị xâm lược 400 lần. Chiến tranh liên miên, sống trong cảnh nghèo đói trường kỳ cũng đã hình thành nên nhiều tính cách rất đặc trưng của người Hàn Quốc. Như rất trân trọng đồ ăn, ăn miếng lớn, ăn uống xì xụp, không được phép để thừa.
Và “Han”, thứ cảm xúc phẫn uất nhắc nhở họ không bao giờ được rơi vào tình trạng thua kém và bị bắt nạt nữa. Mặt tích cực của Han là khi họ không oán trách hoàn cảnh mà biến thành thứ năng lượng chịu đựng và vươn lên khắc phục hoàn cảnh. Thậm chí thế hệ đi trước của Hàn Quốc sẵn sàng chịu đựng đau khổ và vất vả để thế hệ tương lai có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người nước ngoài nhìn vào sẽ thường nhận định rằng người Hàn Quốc nói chung làm việc rất nhiều đòi hỏi cao trong công việc. Họ làm việc như thể họ sống chỉ để làm việc đó. Thời gian làm việc của người Hàn đứng thứ hai trong các nước OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế). Một người Hàn làm việc trung bình hơn 2.000 giờ mỗi năm trong khi người Mỹ làm 1.790 giờ và người Pháp là 1.479 giờ/năm.
Một người Hàn làm việc trung bình hơn 2.000 giờ mỗi năm họ làm việc như thể họ sống chỉ để làm việc đó. (Ảnh: hanquoc.co )
Họ bắt mình phải thành công và không được phép từ bỏ nếu thất bại và họ cũng gây áp lực đó lên những người làm cùng mình. Nhiều tấm gương thành công tại Hàn Quốc hay các ông chủ Chaebol nổi tiếng đều được gắn liền với “Han”. Và dân tộc này đã hình thành một tính cách nỗ lực và ôm đồm đến khó hiểu trong mọi việc mình làm.
Làm việc trong ngành nghề nào thì người Hàn cũng sẽ luôn phải lao động không ngừng nghỉ, kể cả đó là những “Thần tượng” tương lai. Vậy nên những đứa trẻ một khi dấn thân vào làm thực tập sinh tại các công ty giải trí lớn, chúng sẽ không dễ dàng từ bỏ mà chỉ có một con đường, nỗ lực, nỗ lực không ngừng.
Đối với họ, dù không phải vật lộn ở các sàn tập, thì họ cũng sẽ phải vật lộn tại trường học, rồi tới các văn phòng công sở hay công xưởng sản xuất. Thế nên cuối cùng vẫn là phải nỗ lực không ngừng, không có sự khác biệt.
Đào tạo tài năng ngay từ khi còn nhỏ là cách nhanh nhất để có được chất lượng nhân lực cao ở mọi lĩnh vực. Ví dụ về bóng đá trẻ Việt Nam là một minh chứng hùng hồn đang khiến cả đất nước lâng lâng trong cảm giác tự hào thời gian gần đây. Nếu chỉ ngồi đợi nhân tài xuất hiện ở đâu đó, đặc biệt là nhiều nhân tài để kết hợp họ lại thành một tập thể đồng đều như các nhóm nhạc Hàn Quốc hay đội bóng U23 Việt Nam thì không hề đơn giản. Thay vì thế hãy đào tạo tài năng từ khi còn nhỏ và sự chăm chỉ, nỗ lực là điều không thể thiếu.
Các nghệ sĩ trẻ đang gặt hái nhiều thành công trong giới giải trí của Việt Nam hiện nay chủ yếu đều đi lên từ những chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình. Vội vàng ký hợp đồng béo bở với một công ty nào đó rồi hoạt động liên tục để tranh thủ sự nổi tiếng vừa chớm nở. Họ cũng lao động cật lực nhưng không phải là trau dồi thêm kỹ năng và nhân cách mà là để kiếm được nhiều tiền trong thời gian nhanh nhất có thể.
“Thần tượng” thì phải “chak han”
Các nghệ sĩ giải trí dù làm trong lĩnh vực có đầy sự ngưỡng mộ của người hâm mộ, tương lai có thể có tầm ảnh hưởng tới toàn khu vực hoặc thế giới, thế nhưng họ cũng phải lao động cật lực và giữ hình ảnh trong sạch nếu không có thể mất tất cả.
Xã hội Hàn Quốc là một xã hội khắt khe đối với những người nổi tiếng. Vì sự nổi tiếng đó là tới từ khán giả, họ đem tới cho anh vinh quang thì anh cũng phải có trách nhiệm lại với xã hội. Nếu không, anh sẽ chẳng thể ngẩng cao đầu tại một nơi hình ảnh không tỳ vết của cá nhân là cực kỳ quan trọng.
Kyuhyun (Super Junior) được người hâm mộ gọi là “Kyu lễ phép” vì anh luôn cúi gập người 90 độ để chào phóng viên cũng như người hâm mộ tại các sự kiện. (Ảnh: Dispatch)
Tháng 6/2017, ca sĩ TOP của Big Bang bị điều tra vì sử dụng cần sa khiến người hâm mộ choáng váng. Chỉ sau 5 ngày bị cáo buộc, TOP đã bị trục xuất khỏi đơn vị cảnh sát mà anh đang phục vụ trong thời hạn nghĩa vụ quân sự.
Ca sĩ Onew bị một phụ nữ tố cáo có hành động khiếm nhã tại quán bar. Mặc dù nạn nhân đã rút đơn và công ty quản lý khẳng định mọi chuyện chỉ là hiểu lầm. Nhưng nam ca sĩ của nhóm SHINee đã phải dừng mọi hoạt động và rút khỏi dự án Age of Youth 2.
Có cả những scandal mà chủ nhân đã được minh oan nhưng cũng đủ khiến các nghệ sĩ mất hết cả sự nghiệp và danh dự. Như Kim Hyun Joong, Yoo Chun, T-ara, Park Bom… dù đã được tòa án trả lại sự trong sạch, nhưng họ cũng không thể lấy lại được sự nghiệp vốn đang lên như diều gặp gió trước đó.
Tất cả các nghệ sĩ, người nổi tiếng ở Hàn Quốc dường như đều cố gắng xây dựng hình ảnh trong sáng, sạch sẽ trong lòng người hâm mộ. Người nổi tiếng, nhất là các Idol trẻ tuổi thì không được phép có scandal, luôn luôn phải xuất hiện với hình ảnh lạc quan, dễ thương và lễ độ với người hâm mộ. Biểu tượng quyến rũ Hyuna, nhóm nhạc với hình tượng mạnh mẽ như 2PM hay “sang chảnh” như BigBang thì khi xuất hiện trước truyền thông cũng phải gập người 90 độ chào hỏi, ăn nói đúng phép lịch sự, cử chỉ ý tứ, ngoan hiền.
Trưởng nhóm EXO, Suho được khán giả đánh giá cao về nhân cách tốt đẹp cùng cách hành xử lịch sử của mình. Hình ảnh anh chàng cúi gập người khi nhận giải thưởng từng nhận được vô vàng khen ngợi từ công chúng. (Ảnh: Yan)
Họ phải duy trì lối sống lành mạnh, là hình mẫu lý tưởng, bởi đa số người hâm mộ của họ là trong độ tuổi thanh thiếu niên. Đó là trách nhiệm của một người nổi tiếng đối với xã hội. Giúp định hướng thế hệ trẻ trở thành những người có giáo dục, chăm chỉ và thiện lương.
Thế nên không chỉ là đào tạo Idol, các công ty giải trí của Hàn Quốc đều chú trọng việc dạy dỗ các thực tập sinh trở thành người có ý thức với xã hội, có lối sống lành mạnh.
Xã hội Hàn Quốc lưu giữ nhiều nét truyền thống và coi trọng lề thói, coi trọng giáo huấn của Khổng Tử. Việc làm một người đúng đắn, chính trực có ý nghĩa đối với họ nhiều hơn là lợi ích nhất thời rất nhiều. Vậy nên người Hàn rất trọng việc có một hình ảnh sạch sẽ. Họ hiểu rằng một chút lợi ích bây giờ sẽ không mua được cái thể diện về lâu về dài, cho nên dù thế nào cũng không được phạm lỗi.
So với các nghệ sĩ ở Việt Nam, có vẻ nghệ sĩ Hàn Quốc “thiệt thòi” hơn một chút. Ở Việt Nam, người nổi tiếng có thể vướng vào tù tội với những tội danh kinh khủng như ấu dâm, những vụ “lùm xùm” giật chồng người khác, phản bội vợ mới sinh con, nói năng vô lễ với tiền bối, vô ơn với thầy cô dẫn dắt mình… nhưng họ vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật, xuất hiện liên tục trên tivi, quảng cáo đầy khắp ngõ ngách phố phường.
Xã hội Việt Nam đang thể hiện một sự mâu thuẫn khi người ta có thể bức xúc phán xét, quy tội, thậm chí là miệt thị người khác trên các trang mạng xã hội. Nhưng lại chẳng có chế tài, hành động cụ thể nào đối với những lỗi vi phạm quy phạm đạo đức chung của bất kỳ một xã hội văn minh nào.
Chúng ta không kích động sự trừng phạt và đòi hỏi người dân phải phẫn nộ, quay lưng lại với người phạm lỗi. Nhưng ít nhất, những hành động cụ thể và phản ứng văn minh trước cái xấu sẽ góp phần ước thúc người dân, đặc biệt là giới trẻ để họ có thể phân biệt được đúng sai mà tránh mắc phải sau này. Bất kỳ một xã hội nào cũng cần có những quy phạm đạo đức và người dân phải bảo vệ nó.
Vũ đạo “kiểu Hàn Quốc” độc nhất vô nhị và bài học về tinh thần làm việc nhóm
Các nhóm nhạc Hàn Quốc đều rất đông thành viên, và hầu hết đều dùng số lượng áp đảo và những màn nhảy đồng bộ đến từng chi tiết để gây ấn tượng thị giác cho người xem. Để hát một bài hát nhạc Pop, đâu cần nhiều người tới vậy trong một nhóm nhạc. Thế nhưng người Hàn biết rằng, sự đồng đều, chính xác như xếp hình tại những màn khai mạc Olympic sẽ gây ấn tượng mạnh về thị giác và truyền tải được sức mạnh đoàn kết và hòa hợp.
Các thành viên các nhóm nhạc Idol đều có khả năng nhảy múa khớp với nhau một cách hoàn hảo. Họ phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và cả nước mắt trên các sàn tập ngày này qua năm khác trước khi được debut. Thậm chí các thành viên phải học cách bỏ qua những bất đồng, cãi cọ để một khi cùng hợp tác, cùng nhau đứng trên sàn diễn, thì mọi hành động đều phải như một.
Sự đồng đều đến hoàn hảo là yêu cầu của vũ đạo Kpop, nhóm nhạc Super Junior là một trong những nhóm nhạc nam tiêu biểu có đội hình đông đảo, đồng đều và ăn khớp khi thể hiện vũ đạo khó. (Ảnh: Wikipedia)
Ông chủ của Mnet, Shin Hyung Kwan chia sẻ với nữ nhà báo Euny Hong rằng:
“Nhạc Hàn nổi tiếng vì tâm lý hợp tác rất mạnh. Họ sẽ làm việc, kể cả có phải chết” (trích “Giải mã Hàn Quốc sành điệu”).
Nhóm trưởng Jae Beom của nhóm nhạc Got7 khi được hỏi nếu giả sử có xích mích gì với Jin Young (thành viên khác) trước khi lên sàn diễn thì sao, cậu đã vui vẻ trả lời rằng, trước tiên cứ phải diễn cho tốt đã, mọi chuyện đều phải giải quyết sau sân khấu.
***
Có thể nói sự thành công của K-Pop một phần là nhờ những phẩm chất rất quyết liệt của người Hàn Quốc. Phẩm chất đó được hun đúc từ quá khứ đau thương và nhiều mất mát. “Han” của người Hàn có thể quá khắc nghiệt và hơi cực đoan. Nhưng không thể phủ nhận, nếu khắc chế được bớt sự oán hận và biến thành năng lực chịu đựng, thì mong muốn luôn cố gắng lao động mà không trông chờ vào sự giúp đỡ từ ai khác, sự bền bỉ và khả năng chịu đựng là một phẩm chất cần có của mọi kỳ tích.
Tinh thần vì tập thể mà có thể hy sinh mọi sự bất đồng lại là một biểu hiện không ích kỷ và nhìn xa trông rộng. Coi trọng hình ảnh trong sạch là một thước đo vô hình khiến mọi thành viên luôn hướng tới việc hoàn thiện bản thân trở thành người tốt. Một xã hội có chuẩn mực chung để ước thúc mọi người sống tốt và duy trì hình ảnh trong sạch sẽ hạn chế những thói hư tật xấu làm suy yếu sức mạnh của dân tộc đó. Đây cũng là điều cần thiết của mọi nền văn minh nếu muốn phát triển bền vững.
Văn hóa đại chúng từ K-Pop thu hút người hâm mộ từ những nét truyền thống rất đặc trưng. (Ảnh: visitkorea.or)
Văn hóa đại chúng từ K-Pop thu hút người hâm mộ không phải chỉ từ những hình thức hào nhoáng bề ngoài mà còn từ những nét truyền thống rất đặc trưng. Ông Kang Cheol Keun (chủ tịch Hiệp hội Giao lưu văn hóa quốc tế Hallyu) cũng nhấn mạnh rằng: “Văn hóa truyền thống mới là cốt lõi của văn hóa Hàn Quốc”.
Qua đó, người ta được truyền cảm hứng về thái độ lao động chăm chỉ, bền bỉ, tất cả vì lợi ích của tập thể và dù có thành công, nổi tiếng đến mấy thì cũng phải làm người trong sạch. Những thứ không có nội hàm mà chỉ hình thức bề mặt sẽ không bao giờ tồn tại được lâu. Ngành giải trí cũng vậy, dù là mua vui cho thiên hạ hay truyền cảm hứng về những điều tốt đẹp, thì cũng phải đi từ cái gốc văn hóa truyền thống.
Thuần Dương

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ