Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Tinh hoa võ thuật Việt Nam (P.5): Cao thủ chân chính rốt cuộc cần sở hữu kỹ năng gì?

16:12, 03/01/2018

Võ thuật Việt Nam đầy ắp tinh hoa của biết bao môn phái, chiêu thức, vũ khí. Loạt bài này sẽ giúp độc giả có thêm một góc nhìn mới về tinh hoa võ thuật dân tộc. 

Võ đạo là gì? Làm thế nào để đạt đến Võ đạo?
Nói một cách khái quát thì Võ đạo là mục đích duy nhất và cao nhất mà một Võ nhân chân chính phải đạt đến. Vậy mục đích đó là gì? Chính là đạt đến trạng thái minh ngộ hoàn toàn về ý nghĩa của Võ và Đạo, tinh thần hòa làm một với vũ trụ vô biên, có những năng lực võ công siêu phàm. Nghe có vẻ mơ hồ nhưng nếu phân tích sâu hơn thì Võ đạo cũng có tiêu chuẩn riêng của nó.
Người đạt đến Võ đạo chính là có võ công cao nhất. Nghĩa đen là không ai có thể đánh bại ông ta bằng võ thuật. Và nghĩa khác cao hơn chính là ông ta không cần phải dùng đến bất cứ chiêu thức gì cũng có thể chiến thắng, bởi vì khi đứng trước người đạt đến Võ đạo thì mọi ý chí chiến đấu, phân cao thấp, sân si hận thù đều sẽ bị hóa giải hết.
Vậy chẳng phải ông ta đã đạt đến nghĩa chân chính của chữ Võ là gì, đó chẳng phải là ngăn cản việc can qua đó sao, cũng là “vô chiêu thắng hữu chiêu”, là “bất chiến tự nhiên thành”. Đó là vì ông ta đã ở một trạng thái tinh thần siêu nhiên và cao hơn tất cả võ sĩ khác trên đời. Ngoài ra những công phu tưởng trong truyền thuyết như Khinh công, Thủy thượng phiêu, Kim chung tráo, Thiết bố sam, Súc địa thành thốn… đều có thể thi triển rất nhẹ nhàng.
Có người có thể nghĩ, vậy nếu ông ta gặp người có Võ đạo cao hơn mình thì sao? Người đạt đến trình độ này đã không thể được xếp cùng với thường nhân được nữa. Tâm hồn khoáng đạt, bao la, trong sáng của họ không có chỗ cho tâm tật đố, tự mãn thấp hèn. Sự hơn thua hay danh hiệu võ công đệ nhất với họ là không còn quan trọng. Vậy thử hỏi giữa họ có thể xảy ra tranh đấu hay không?
Bạn là cao thủ dùng kiếm và có thể dùng kiếm đánh bại đối thủ mạnh nhất. Nhưng bạn có thể nào dùng kiếm để đánh bại cái thác nước cao 70m đang ngày đêm ầm ĩ, cuộn trào kia không? (Ảnh: vonwong.com)
Bạn là cao thủ dùng kiếm và có thể dùng kiếm đánh bại đối thủ mạnh nhất. Nhưng bạn có thể nào dùng kiếm để đánh bại cái thác nước cao 70m đang ngày đêm ầm ĩ, cuộn trào kia không? Chắc chắn là không. Chính là vì nó và bạn ở hai cảnh giới khác nhau. Nó là “Đại Tự Nhiên” và căn bản không quan tâm đến bạn, chẳng cần biết bạn là ai, bạn muốn làm gì với nó và sức mạnh hai bên cách nhau quá xa. Khi đứng bên thác nước bạn chỉ có thể ngưỡng mộ mà ngắm nhìn chứ không thể khởi lên đấu chí hay sát khí mà hơn thua với nó vì bạn biết rõ điều đó là vô ích.
Người đạt đến Kiếm đạo chính là cảnh giới tinh thần của họ là một dòng thác vĩ đại cuồn cuộn như thế. Tinh thần của họ là một với Đại Tự Nhiên, không có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc mà nó vĩnh viễn đồng tại với vũ trụ. Những tranh đua ganh ghét từ con kiến nhỏ đang cầm kiếm kia liệu có làm họ quan tâm? Người chúng ta nhắc đến ở đây chính là Đệ nhất Kiếm Thánh Nhật Bản mọi thời đại Miyamoto Musashi. Ông là người đạt đến Kiếm đạo và khai ngộ về Kiếm và dòng nước. Hãy đọc trước tác cuối cùng và vô cùng nổi tiếng của ông “Ngũ Luân Thư” nếu có duyên, bạn sẽ hiểu ví dụ này sâu sắc hơn.
“Chân giá trị của binh pháp không thể khu trú trong giới hạn của kiếm thuật. Nếu nhìn vào thế giới, ta thấy chư nghệ được bán như những món hàng. Người ta dùng vũ khí để bán chính bản thân của mình. Giống như tách hạt ra khỏi hoa, rồi đánh giá hạt thấp giá trị hơn hoa. Nghĩ về binh pháp theo cách đó, cả người dạy lẫn người học đều chú tâm để phô bày kỹ thuật hoa mỹ. Họ tìm cách để ép đóa hoa nở vội. Họ nói về “Đạo trường này và Đạo trường kia”. Họ tìm kiếm tư lợi. Có người đã từng nói: “Nếu ngươi hiểu Đạo thật rộng, ngươi sẽ nhận ra sự tồn tại của “Đạo” trong mọi sự. Người ta phải trau dồi, hoàn thiện Đạo riêng của mình. Binh pháp sơ lậu là căn nguyên khổ ải, lời nói thật chí lý”. 
Về mặt tinh thần, như đã nói ở trên, người đạt đến Võ đạo chính là đạt đến một trạng thái tinh thần hoàn mỹ hòa nhập làm một với Đại Tự Nhiên, “Thiên nhân hợp nhất”. Đặc điểm chính của tinh thần này là “vô dục, vô cầu, vô tranh, vô đấu”. Nên nếu một người luyện võ còn mang trên mình tâm tranh đấu để thành thiên hạ đệ nhất thì quả là không xứng đáng với cả chữ Võ chứ đừng nói đến chữ Đạo. Nên về mặt tinh thần, người đạt đến Võ đạo chính là phải biết cách tu dưỡng tinh thần của mình, từ bỏ các dục vọng cá nhân. Bỏ đi càng nhiều thì trình độ võ học và con đường Võ đạo sẽ càng rộng mở.
Ngoài ra, việc luyện tập võ công một cách chân chính lại còn có tác dụng bồi dưỡng nội lực tráng kiện thân thể và dưỡng sinh tồn thần. Những người luyện võ đắc Đạo chân chính tất cả đều sống hơn một tuổi là điều rất dễ dàng. Muốn dưỡng sinh đúng sống thọ thì thực hành võ công chính tông, tu bỏ dục vọng là điều cần thiết nhất. Vậy nên những gì mà truyện kiếm hiệp miêu tả về các võ lâm cao thủ có năng lực như Thần mà lại tranh nhau cái danh hiệu võ lâm đệ nhất, vì mỹ nữ, vì giang sơn mà tranh mà giết thì quả là một sự bôi bẩn đến nhân cách của cổ nhân. Các tác gia võ hiệp quả đúng đã gây ra nghiệp chướng rất to lớn vậy. Hàng triệu người đã đua nhau hâm mộ và học võ cũng vì muốn tranh đấu như các nhân vật tiểu thuyết thay vì tu dưỡng đạo đức và rèn luyện công phu chân chính để giúp đời.
Về mặt thực tế, trong lịch sử xưa nay, trên thế giới những người đạt đến Võ đạo mà thế gian biết đến chỉ có ít ỏi vài người như sau (dĩ nhiên không tính các cao nhân ẩn dật). Trung Hoa: Toàn Chân Giáo Vương Trùng Dương, Khưu Xứ Cơ, Tiên gia Lã Động Tân, Võ Đang Trương Tam Phong, Thiếu Lâm Đạt Ma Sư Tổ. Nhật Bản: Kiếm Thánh Miyamoto Musashi, Hiệp Khí Đạo Morihei Ueshiba. Việt Nam: Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Thiền sư Vạn Hạnh, vua Trần Nhân Tông.
Bức tranh vẽ Vương Trùng Dương và Toàn Chân thất tử, trên tường am Trường Xuân tại Vũ Hán. (Ảnh: wikipedia.org)
Nhìn vào danh sách này ta thấy có hai đặc điểm như sau. Một là toàn bộ những cao nhân bên trên đều là người tu hành một phần hay cả một đời của họ. Hai là các môn phái của họ từ sau đời của Tổ sư thì không còn ai đạt đến Võ đạo nữa. Ví dụ dễ thấy nhất là Võ Đang và Thiếu Lâm. Sau khi Trương Tam Phong và Tổ Đạt Ma viên tịch thì cả nghìn năm qua hai phái này không hề có ai khai ngộ ở Võ đạo hết. Nhất là phái Thiếu Lâm với 72 tuyệt kỹ mà trong suốt lịch sử 1500 năm của nó chỉ có duy nhất Đạt Ma là tinh thông hết. Chỉ có một vị sư luyện đạt 13 tuyệt kỹ nhưng sau này cũng bị điên loạn mà chết. Miyamoto và Ueshiba cũng là phải tu hành Thiền Tông nhiều năm trước khi chứng ngộ Võ đạo.
Quá trình tu luyện để đạt đến Võ đạo 
Tuy rằng về mặt lý luận, Võ đạo là một thứ cảnh giới rất mơ hồ khó nắm bắt cả một đời. Nhưng tựu trung lại nó cũng có con đường (Đạo) và phương pháp (Pháp) để có thể đạt được. Vậy con đường đó là gì? Trở lại các ví dụ trên ta có thể rút ra kết luận sơ bộ rằng, để đạt đến Võ đạo thì cần phải tu luyện tinh thần một cách chính quy như trong tôn giáo và phải có một pháp môn chân chính cùng sự quyết tâm kiên định mới có thể đạt đến được. Hay nói cách khác Võ đạo chân thực chính là một trong những con đường tu luyện chân chính để thăng hoa tinh thần con người mà đạt đến Giác Ngộ.
Vậy đầu tiên chính là con đường (Đạo), là phần quan trọng nhất và cũng là mục tiêu duy nhất. Nhưng có một điểm cần phải biết đó là con đường này không ở đâu xa mà vốn đã có sẵn trong tất cả mọi con người nào trưởng thành và có trí tuệ từ trung bình trở lên trên đời này. Nó chỉ bị che lấp giống như một con đường mòn trong suốt cánh rừng mà dẫn ta lên đỉnh núi của Võ đạo giữa đêm thâu mù mịt. Muốn thấy được con đường giữa rừng tất phải phát quang cây cối cho sạch sẽ, thắp lên một ngọn đuốc mà đi. Chính là dùng sức mạnh và sự sắc bén của tâm trí kiên định và thắp lên ngọn đuốc của trí huệ để loại bỏ những thứ cây cối hoang dại đang vùi lấp con đường của mình. Những thứ cây đó chính là những tâm ham muốn dục vọng, sự ganh ghét, tâm háo danh lợi, và đêm đen đó chính là sự ham mê hưởng lạc, lòng tham vô độ và tâm ích kỷ nhỏ nhen.
Ngọn đuốc thắp lên kia chính là Pháp, là kết tinh của trí tuệ các Tổ sư, là phương pháp đảm bảo cho hành giả đi đến đích cuối cùng. Nên phải kiên quyết làm theo mà không được thay đổi bất kỳ điều gì thì mới đến đích. Võ đạo là sinh ra từ trong văn minh và văn hóa cổ. Vậy nên võ lý cao hơn lại không phải là Võ mà thực ra chính là chuẩn mực về tinh thần, về đạo đức. Hay nói ngắn gọn nhất chính là chữ “Tâm”, còn gọi là Đạo Tâm.
Chữ Tâm kia gồm có một nét mác cong và 3 chấm. Tựa như ánh trăng có 3 vì sao xung quanh. Chính là người luyện Võ phải làm chủ Tinh – Khí – Thần của mình, dung luyện nó, tịnh hóa nó cho đến khi hòa nhập được vào Đạo Tâm vốn trong sáng như Mặt Trăng dần ló dạng ra khỏi mây, không gì không hiểu và không có chướng ngại. Vậy để thao luyện Tinh – Khí – Thần thì cần làm gì? Cần phải kiên trì công phu “Nội ngoại kiêm tu”.
Nội tu là tu thiền định, tĩnh tọa để điều phục tâm mình loại bỏ dục vọng và đấu tranh chiến thắng ma chướng trong tâm đồng thời khai mở trí huệ cũng như nạp khí vào đan điền, tịnh hóa thân thể không bị bệnh tật can nhiễu để tu mệnh kéo dài tuổi thọ và để có thể tiếp tục tu lâu năm cho đến khi đạt Đạo. Ngoại tu là rèn luyện các bài tập công phu hàng ngày, chịu đựng đau đớn cực khổ để trả nghiệp, rèn luyện tâm chí kiên định như kim cương bất hoại. Vì để đạt Tâm thì cần phải có Nhẫn.
Chỉ có đạt Nhẫn mới có thể thấy được Đạo Tâm. (Ảnh: tofugu.com)
Chữ Nhẫn gồm có bộ Đao bên trên chữ Tâm. Người đạt Nhẫn là người có thể kiên trì chịu đựng từ đau đớn thể xác đến đau đớn xé nát tim gan về tinh thần. Ngoài ra cái Nhẫn khó chịu nhất là trong cô đơn tĩnh mịch nơi thiền phòng mà nhập định, nơi hoang vắng, tịch liêu mà nhẫn nại luyện công hàng ngày. Không có đích đến, không có điểm dừng, không có bạn, không có tranh đấu, không có vinh quang, không có vòng nguyệt quế cho kẻ chiến thắng. Chỉ có mỗi Võ giả cô đơn cần mẫn trên con đường vượt khỏi phàm trần. Nên chỉ có đạt Nhẫn mới có thể thấy được Đạo Tâm vậy.
Như trên đã nói, Võ là sinh ra từ văn minh nên Pháp của nó còn chính là lời dạy của các bậc Thánh Nhân từ xưa đến nay. Nếu là người luyện võ Phật Gia (Thiếu Lâm và các hệ phái của nó) tất phải noi theo Pháp Lý của Phật mà tu luyện tinh thần của mình. Người luyện võ Đạo Gia (Nga Mi, Toàn Chân, Võ Đang, Không Động, Bát Quái chưởng, Hình Ý Quyền, Thái Cực) thì phải theo Đạo của Lão Tử mà nội tu. Không được một chân đạp 2 thuyền, Phật Đạo không thể cùng kiêm tu mà đạt đến cảnh giới cao được. Người nay không thấy được Võ đạo chân chính nên hay xưng tụng một số cao thủ và cổ xúy việc luyện tập võ công của nhiều gia phái và dung hòa lại thành ra một võ phái mới như một việc hay ho.
Các cao thủ Trung Hoa được truyền tụng như Lý Tiểu Long, Tôn Lộc Đường, Vương Hương Trai thảy đều chỉ đạt đến da lông của Võ đạo chân chính mà thôi. Triệt Quyền Đạo hay Hình Ý Quyền của Trung Quốc, đến Thiếu Lâm nội gia hay Nam Bắc Phái, Vĩnh Xuân, Hồng Gia , Đường Môn… chẳng qua là thiển ngộ ở một tầng thứ nhất định của Thiếu Lâm và Võ Đang mà ra. Họ trở nên càng nổi tiếng thì càng cho thấy võ học chân chính đã suy vi đến mức độ nào.
Cũng giống như thiên hạ ưa chuộng Thiền Tông coi nó như một pháp môn cao cấp nhất của Phật Giáo mà đâu biết rằng nó chỉ là một bộ phận nhỏ của Phật Pháp. Và Đạt Ma sư tổ cũng chỉ là một La Hán vào hàng đệ tử của Thích Ca Mâu Ni. Qua nhiều trăm năm người ta quên và không thể hiểu cảnh giới cùng lời dạy của Thích Ca Mâu Ni nên lấy lời giảng của Thiền Tông xem như chân lý. Chẳng phải là quý cành và lá cây mà quên gốc rễ sao. Võ thuật cũng chính là bị tình trạng như thế.
Bạn không tin những lời trên sao? Đạt Ma sư tổ khi đến Trung Quốc là vượt sông bằng một cọng lau. Loại võ công trình độ nào có thể làm chuyện ấy? Sau Đạt Ma có võ tăng nào của Thiếu Lâm làm được việc ấy chăng? Ueshiba Tổ sư đi bộ chậm rãi mà hàng đoàn môn sinh thanh niên chạy theo bở hơi tai mà vẫn không kịp, chẳng phải công phu “Súc địa thành thốn” là gì? Còn có khinh công nhanh hơn điện giúp cho Ueshiba quật ngã cùng một lúc 7 anh lính cầm súng trước khi khói súng của viên đạn bắn đến người ông kịp tan đi đã được nhiều người chứng kiến. Sau Ueshiba còn ai làm được chăng?
Chỉ có từ trong lời dạy của Thánh nhân cùng với việc tu luyện tâm tính từ bỏ dục vọng, kiên trì rèn luyện công phu mà có thể đạt đến Võ đạo và đạt đến những tuyệt học công phu cao thâm đã nói bên trên. Vì Pháp lý của Phật Gia và Đạo Gia quá cao siêu và huyền bí, nên để mọi người có thể hiểu được, chúng tôi sẽ khái quát quá trình tu luyện Võ đạo chân chính theo lời dạy rất quen thuộc của Khổng Tử, một Thánh nhân rất gần gũi với chúng ta. Các môn phái tùy tình hình mà sẽ có các khác biệt, tuy nhiên về tổng quan đều sẽ đi qua quá trình như thế này.
Khổng Tử có câu: “Ngô thập ngũ hữu nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ“. Tạm dịch: Ta tới mười lăm tuổi mới chuyên chú vào việc học, ba mươi tuổi mới tự lập, bốn mươi tuổi mới thấu hiểu hết sự lý trong thiên hạ, năm mươi tuổi mới biết mệnh trời, sáu mươi tuổi mới có kiến thức và kinh nghiệm hoàn hảo để có thể phán đoán ngay được mọi sự lý và nhân vật mà không thấy có điều gì chướng ngại khi nghe được, và bảy mươi tuổi mới có thể nói hay làm những điều đúng theo ý muốn của lòng mình mà không ra ngoài khuôn khổ đạo lý. Vì võ học là sinh ra từ văn minh nên câu này cũng hoàn toàn đúng với các võ sinh.
Tu luyện sao cho tinh thần và thân thể thực sự tĩnh tại và hòa nhập với Vũ Trụ thì chúng ta mới có thể đạt đến Võ đạo. (Ảnh: vecteezy.com)
Khi ta khởi đầu luyện võ một cách chính quy từ năm 15 tuổi. Luyện võ chân chính bắt đầu thực sự từ năm 3 tuổi, nhanh thì đến 15 muộn thì đến 18 người tu luyện mới đả thông hết kinh mạch huyệt vị quan trọng để hoàn thành nền móng cho việc luyện công phu cao tầng về sau. Vì thế 15 tuổi bắt đầu luyện công phu bí truyền cao cấp chứ không phải bắt đầu luyện võ.
Đến 30 tuổi căn bản đã có một thân bản lĩnh đủ để dạy người và tự bảo vệ mình với cương kình sung mãn và cơ bắp săn chắc như thép (Lý Tiểu Long là ví dụ rất tốt). Đến 40 tuổi hiểu sâu hơn võ học, nội lực sung mãn và có thể xưng là cao thủ, cơ thể bắt đầu ngày càng mềm dẻo và trắng trẻo khi nội công càng tăng tiến, cơ bắp dẻo dai mà không thể hiện ra sự cứng rắn. Đến 50 tuổi hiểu được phần huyền diệu sâu hơn của võ học, cương kình uy mãnh đã thoát thoai hoán cốt ngấm vào xương tủy thành nội kình và thể hiện ra ngoài thành khí chất văn nhã, ôn hòa, lịch thiệp vui vẻ, thân thể tròn đầy viên mãn với nội lực sâu thẳm.
Đến 60 tuổi thì tâm đã tĩnh để hòa vào Võ đạo, không còn gì có thể làm tâm động nữa, không còn danh lợi và lời nói nào có thể làm ta thấy trái tai hay bất bình, nội lực lúc này đã sâu như biển, kình lực đã hóa khí khiến không ai có thể nhìn ra một đại cao thủ để mà đòi giao đấu và dù có giao đấu cũng không thể nào xuất chiêu vì sát khí hoàn toàn tiêu tán trước tâm an hòa như mặt hồ sâu của ta.
Đến 70 tuổi thì đạt Võ đạo, hòa nhập cùng vũ trụ, đại cao thủ võ lâm kia đã chết từ lâu trong tâm trí người đời, chỉ có ta vui với cuộc đời này an nhiên tự tại dù có tùy hứng làm gì cũng không ra ngoài đạo lý, vì ta chính là vũ trụ này không hơn. Vậy tu luyện sao cho tinh thần và thân thể thực sự tĩnh tại và hòa nhập với Vũ Trụ thì chúng ta mới có thể đạt đến Võ đạo.
Vậy có thể nói con đường tu luyện bản Tâm của mỗi người là duy nhất để đạt đến Võ đạo. Trong đó Tu là tu dưỡng tâm tính và Đạo đức đạt đến vô dục vô cầu, luyện là luyện võ thuật và nội công công phu để thanh lọc cơ thể kinh mạch để đáp ứng được sự tăng trưởng của công lực. Thiếu một trong hai đều không đạt được.
(Còn nữa)
Tĩnh Thủy

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ