Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Tào Tháo cả đời quyết ‘phụ người’ nhưng rốt cuộc chịu để một người ‘phụ mình’

thumneo 3
Tào Tháo (155 – 220), tự Mạnh Đức, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Trong cuộc đời cầm quân của mình, ông từng lập nên nhiều chiến công hiển hách, vang danh thiên hạ. Kể về ông có hàng trăm, hàng nghìn giai thoại. Câu chuyện của ông và Quan Vũ là một trong những đoạn được nhiều người ghi nhớ nhất. 
“Ta thà phụ người chứ quyết không để người phụ mình”
Đó là những gì Tào Thào nói với Trần Cung khi bị chất vấn về việc giết cả nhà Lã Bá Sa dù biết gia đình ông lão tội nghiệp chỉ định mài dao, mổ lợn, bày tiệc chiêu đãi chứ không hề có ý định hãm hại mình. Quan điểm này của Tào Tháo hoàn toàn trái ngược với Lưu Bị: “Thà người thiên hạ phụ ta chứ ta quyết không phụ người trong thiên hạ”. Đó chính là điểm đối lập của hai kỳ hùng trong thiên hạ: một người “vì mình” và một người “vì người”, một người “gian hùng” và một người “nhân nghĩa”.
b
Tào Tháo: “Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta”, đó dường như đã trở thành một triết lý sống của Tào Tháo trong thời loạn thế.
Một câu chuyện nổi tiếng khác để minh chứng cho câu nói này của Tào Tháo, đó chính là việc Thần y Hoa Đà chữa bệnh cho ông. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung kể lại rằng: Tào Tháo mắc bệnh đau đầu, mời danh y là Hòa Đà đến chữa trị. Hòa Đà nói với Tào Tháo rằng căn nguyên của bệnh đau đầu của ngài chính là do “phong diên”, nó lớn dần lên trong não. Chỉ còn cách là dùng “ma phí tán” sau đó dùng rìu bổ đầu ra mới có thể lấy “phong diên” ra ngoài mới có thể trị triệt để căn bệnh đau đầu của ngài được.
n
Tào Tháo bị mắc chứng u não, cần làm thủ thuật để lấy khối u thì bệnh mới có thể khỏi, và người duy nhất trong thiên hạ có thể làm được điều ấy, không ai khác, chính là Hoa Đà.
Thế nhưng Tào Tháo vốn đa nghi, vừa nghe qua phương án trị bệnh của Hoa Đà lập tức nổi giận. Ông ta cho rằng Hoa Đà mượn cớ dùng đao phẫu thuật lấy mạng mình. Trong cơn thịnh nộ, Tào Tháo lập tức sai nhốt Hoa Đà vào ngục tối rồi giết Hoa Đà. Sự kiện này được ghi chép rất rõ ràng trong Tam Quốc diễn nghĩa và hàng loạt những sách bình luận, điện ảnh, phim truyền hình. Thậm chí câu chuyện ấy còn trở thành một điển tích nổi tiếng, không ai là không biết tới.
Thế nhưng, có một người khiến Tào Tháo chấp nhận để người ta ‘phụ mình’, chấp nhận cho đi mà không mong nhận lại, chấp nhận như là một trong những hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời. Người đó chính là Quan Vũ, tự Vân Trường.
Quan vũ vì nghĩa mà phụ lòng Tào Tháo
Chuyện kể rằng, đầu năm 200, Tào Tháo dẫn quân bản bộ kéo xuống Từ châu để báo thù cho cha là Tào Tung. Lưu Bị biết mình thế yếu bèn sai người đi cầu cứu Viên Thiệu nhưng Thiệu chần chừ không ra quân. Tào Tháo gấp rút tiến đánh Từ châu. Vài ngàn quân của Lưu Bị không chống nổi, thua chạy tan tác.
Lưu Bị bỏ chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam, gia quyến Lưu Bị đều bị bắt. Quan Vũ cùng đường, buộc phải đầu hàng Tào Tháo, theo về Hứa Xương. Để bảo vệ hai phu nhân vợ Lưu Bị, Quan Vũ buộc phải ra điều kiện với Tào Tháo, sau này gọi “ước pháp tam chương” (giao hẹn 3 điều).
Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa, việc Quan Công “hàng Hán không hàng Tào” thể hiện sự trung nghĩa của ông, đồng thời mô tả Quan Vũ không hề động lòng trước mỹ nữ và tiền bạc mua chuộc của Tào Tháo.
Sẵn ngưỡng mộ từ trước, Tào Tháo đối xử với Quan Vũ rất trọng vọng, phong làm thiên tướng quân – Hán Thọ Đình Hầu. Nhưng Tào Tháo cũng biết Quan Vũ không có ý ở lại lâu dài với mình, bèn sai Trương Liêu đến thăm dò ông. Quan Vũ thẳng thắn nói với Trương Liêu: “Tào Công đối với tôi rất tốt, trong lòng tôi biết rõ. Nhưng tôi chịu ơn trời cao đất dày của Lưu tướng quân, từng thề là cùng sống cùng chết, không thể phản bội được. Tôi không thể lưu lại nơi này, chỉ có điều phải đợi lập được công, báo đáp Tào Công thì tôi mới đi“. Trương Liêu trở về nói lại với Tào Tháo. Tào Tháo không những không tức giận mà càng thêm kính trọng ông.
v
Sự kiện 3 anh em Lưu – Quan – Trương kết nghĩa vườn đào, đó chính là nguồn gốc của sự chính trực mà Quan Vũ mang theo mình dù cho được hưởng vinh hoa phú quý, cũng chẳng mảy may động tâm. (Ảnh: Internet)
Lại nói, Viên Thiệu theo lời khẩn cầu của Lưu Bị, bèn dẫn quân đi đánh Tào Tháo. Thiệu chia quân, một mặt đánh thành Bạch Mã, mặt khác đóng ở bến Diên Tân. Tháng 4 năm 200, Tào Tháo dẫn Quan Vũ và Trương Liêu đi cứu Bạch Mã, mặt khác lại chia quân ra Diên Tân để phân tán sự chú ý của Thiệu. Quả nhiên Thiệu tăng cường thêm quân cho Diên Tân mà không chú ý Bạch Mã. Tào Tháo nhân đó đột ngột thúc quân đánh mạnh ở Bạch Mã. Quan Vũ ra trận, giết chết mãnh tướng của Viên Thiệu là Nhan Lương, giải vây cho thành Bạch Mã.
Tháng 5 năm 200, Quan Vũ cùng Trương Liêu lại theo Tào Tháo đi men theo sông Hoàng Hà về phía tây đến cứu Diên Tân. Viên Thiệu cùng Lưu Bị và Văn Sú mang quân đuổi theo. Quan Vũ giúp Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu một trận nữa tại đây, giết chết được Văn Sú. Vì lực lượng ít hơn địch nên sau đó Tào Tháo hạ lệnh lui quân về phía nam Tế Thủy, tức là bến Quan Độ đóng đồn, còn Viên Thiệu đóng lại ở Diên Tân.
Sau trận Diên Tân, hai bên tạm hưu chiến. Tào Tháo càng khâm phục Quan Vũ, ban thưởng cho ông rất nhiều. Còn Quan Vũ đã được trời ban cho cơ hội báo đáp trọng tình của Tào Tháo, không còn khúc mắc ở trong tâm nữa.
v
Khí phách của một bậc anh hùng, can trường đầy nghĩa khí. (Ảnh: Internet)
Lưu Bị thấy Viên Thiệu không đủ tài năng để chống chọi lại Tào Tháo nên bỏ đi. Trong khi đó, ở bản doanh của Tào Tháo, Quan Vũ cũng gói ghém toàn bộ tặng phẩm của Tào Tháo để lại, viết một lá thư cáo biệt và lẳng lặng ra đi. Thủ hạ của Tào Tháo muốn truy kích ông nhưng Tào Tháo ngăn lại không cho đuổi theo. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung mô tả rất kĩ sự kiện này. Theo đó, Quan Vũ từ biệt Tào Tháo ngay sau trận Diên Tân. Tào Tháo còn kịp ra tiễn Quan Vũ ở Hứa Xương.
“Qua năm ải Quan Vũ chém sáu tướng” vẫn luôn là một trong những điển tích đáng nhớ nhất về Quan Vũ được lưu truyền rộng rãi nhất. Điển tích này kể chuyện Quan Vũ sau khi treo ấn từ quan, cáo biệt Tào Tháo, mang hai phu nhân Cam, Mi đi về Hà Bắc (phía Bắc Hoàng Hà) với Lưu Bị, lần lượt phải trải qua đủ 5 ải. Vì không xin Tào Tháo giấy thông hành nên dọc đường bị ngăn trở, bất đắc dĩ phải chém 6 viên tướng giữ ải để thoát thân.
v
Một tấm gương của lòng trung nghĩa, đây là một trong những cảnh cảm động nhất mà Quan Vân Trường để lại trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Có thơ khen Quan Vũ qua 5 ải, chém 6 tướng như sau:
“Treo ấn phong vàng trả tướng Tào,
Dặm đường lững thững dạ xôn xao.
Nghìn đường Xích thố bon chân ngựa,
Năm ải Thanh long ngả lưỡi đao.
Bờ cõi chứa chan lòng tiết nghĩa,
Núi non lừng lẫy tiếng anh hào.
Một mình chém tướng ai đương nổi,
Đề vịnh xưa nay để biết bao”. 
Lời bàn:
Tào Tháo thầm ngưỡng mộ Quan Vũ kể từ lúc ông chém danh tướng Hoa Hùng của Đổng Trác. Vốn là người quý trọng anh hùng, Tào Tháo chỉ mong có được Quan Vũ trong tay để dẹp yên thiên hạ. Và thực tế cũng chứng minh dù chỉ gắn bó với Tào Tháo không lâu nhưng Quan Vũ đã thể hiện bản lĩnh cao cường của mình.
Nhưng điều mà Tào Tháo kính phục Quan Vũ không phải là sức mạnh, không phải là Thanh Long Yển Nguyệt đao mà là nghĩa khí của ông. Tào Tháo đãi Quan Vũ vào hàng thượng khách, theo lời kể trong “Tam Quốc diễn nghĩa” thì Tào Tháo khoản đãi ông theo lệ cứ 3 hôm một tiệc nhỏ, 5 hôm một tiệc lớn, tặng mỹ nữ, vàng bạc, châu báu, phong hầu, vinh hoa phú quý đến thế là cực điểm.
Nhưng trong lòng Quan Vũ chưa từng quên chủ cũ, ngày đêm mong ngóng Lưu Bị. Ngay cả lúc được đích thân Tào Tháo tặng con ngựa Xích Thố vô địch thiên hạ, Quan Vũ cũng nghĩ ngay rằng có con Xích Thố ngày đi ngàn dặm thì chẳng mấy mà tìm được huynh trưởng Lưu Bị của mình!
Tào Tháo đến tận nơi tạ từ Quan Vũ.
Tào Tháo đến tận nơi tạ từ Quan Vũ.
Bởi thế nên, khi từ tạ, Quan Vũ qua 5 cửa ải, chém 6 tướng mà Tào Tháo vẫn bỏ qua cho ông, không sai quân truy kích. Đó không giống với tính cách của thông thường của Tào Tháo. Thực tế, Tào Tháo là một minh chủ, rất trọng đãi hiền tài, hoàn toàn không ích kỷ, xấu xa như người ta tưởng.
Tào Tháo đặc biệt quý trọng những nghĩa sĩ trung liệt, phải là “trung liệt” như Quan Vũ thì mới có được kết cục “ngoại lệ” như vậy. Hãy nhớ lại chuyện của Lã Bố. Cũng là một mãnh tướng, cũng hàng Tào, thậm chí còn hàng với thái độ thành khẩn, ngoan ngoãn hơn nhưng cuối cùng vẫn bị Tào Tháo lấy mạng vì sự bất nghĩa của mình.
Cái nghĩa của Quan Vũ là quá lớn, không vì tiền bạc, công danh mà quên tình nghĩa năm xưa với Lưu Bị. Chính vì sự “trung nghĩa” này của Quan Vũ mà Tào Tháo cực kỳ nể trọng ông, nên quyết định “phá lệ” duy nhất một lần. Đó có thể coi là lần duy nhất Tào Tháo để người “phụ mình” trong lịch sử.
Ánh Trăng tổng hợp

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ