Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Người phụ nữ Pháp có dòng máu Việt

Bà Eva Nguyễn Bình, phu nhân ngài Đại sứ Pháp tại Việt Nam, nổi tiếng là một người rất nhiệt tình trong các hoạt động văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Nhưng chỉ khi trò chuyện với bà, bạn mới thực sự cảm nhận đầy đủ mong muốn của một phụ nữ Pháp có dòng máu Việt trong việc chia sẻ hai nền văn hóa với công chúng của cả hai đất nước.
Một ngày tháng Tư Sài Gòn đượm nắng hạ, tại Tổng lãnh sự quán Pháp, L’Officiel Vietnam có cuộc trò chuyện rất cởi mở với bà Eva Nguyễn Bình, một nhân vật quan trọng của các hoạt động văn hóa Pháp tại Việt Nam những năm gần đây.
Được biết, ngay từ khi còn nhỏ bà đã ước mơ làm một nhà ngoại giao và đã biến giấc mơ đó thành hiện thực. Trong kinh nghiệm thực tế của bà, điểm thú vị cũng như khó khăn của công việc này là gì?
Đem hình ảnh và văn hóa của nước Pháp đến với các nước bạn là một công việc tuyệt vời. Công việc này đem đến cho tôi cơ hội khám phá văn hóa của nhiều đất nước khác, đó là điều tuyệt vời mà không phải công việc nào cũng có thể đem đến. Công việc này cũng biến cuộc sống của tôi thành một giấc mơ. Về điều khó khăn nhất, tôi nghĩ đó là việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng. Mỗi 3-4 năm, tôi phải di chuyển từ nước này sang nước khác một lần do tính chất công việc. Bên cạnh đó tôi cũng rất bận rộn, gần như chẳng có ranh giới nào giữa văn phòng hay nhà riêng, trong giờ làm việc hay nửa đêm, mỗi khi có việc tôi đều phải sẵn sàng giải quyết, đó là yêu cầu bắt buộc.
Chân dung bà Eva Nguyễn Bình
Công việc của bà là lan truyền văn hóa và hình ảnh nước Pháp, xin hỏi bà có đem nền văn hóa của đất nước khác về Pháp hay không?
Tất nhiên là có, công việc của tôi giống như con đường hai chiều, quảng bá văn hóa Pháp và đất nước mà tôi đang làm việc. Do đó, chúng tôi dùng từ “hợp tác văn hóa”, nghĩa là trao đổi từ cả hai phía.
Động lực lớn nhất giúp bà vượt qua khó khăn trong công việc là gì?
Tôi thực sự hạnh phúc và tự hào với trách nhiệm phụng sự quê hương mình – nước Pháp xinh đẹp. Ngay từ khi còn trẻ, động lực của tôi luôn là câu hỏi “Làm thế nào để phục vụ đất nước?”. Khi làm việc ở Việt Nam, tôi cảm thấy trách nhiệm của mình còn lớn lao hơn vì đây là quê nội của tôi. Với vai trò nhỏ bé, tôi luôn cố gắng hết sức để mang nền văn hóa Pháp đến gần với Việt Nam và ngược lại.
Vừa qua, Viện Pháp tại Việt Nam kết hợp với một số đơn vị tổ chức triển lãm Yves Saint Laurent: “Birth of a Legend”, bà có thể chia sẻ về mục đích và ý nghĩa của triển lãm này?
Khi hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau với các đối tác khác, trong đó có L’Officiel Vietnam, một ấn bản có khai sinh từ Pháp, là cơ hội để quảng bá một khía cạnh khác của văn hóa Pháp hoặc một khía cạnh mới trên góc nhìn công chúng đã biết. Đây là sự kiện tuyệt vời. Cuộc triển lãm này tái hiện quá trình chuẩn bị bộ sưu tập đầu tiên của nhà thiết kế Yves Saint Laurent cho thương hiệu của ông. Sự kiện lần này không phải là triển lãm hiện đại mà giống như hành trình tái khám phá một di sản văn hóa. Đây thực ra là một tour triển lãm ở nhiều nước châu Á, Viện Pháp tại Việt Nam muốn bắt đầu hành trình ấy từ Việt Nam vì chúng tôi cảm thấy đây là cơ hội tuyệt vời để bắt đầu câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thiết kế Yves Saint Laurent, khi thương hiệu Saint Laurent chuẩn bị khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam. Ý nghĩa thực sự của triển lãm là giúp khách hàng không chỉ biết đến sản phẩm mà còn thấu hiểu câu chuyện đằng sau đó, bởi thời trang không chỉ là quần áo mà còn là lịch sử, nghệ thuật, sáng tạo…
Theo đánh giá của bà, di sản cũng như ảnh hưởng của Yves Saint Laurent đối với văn hóa và thời trang Pháp là gì?
Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người sẽ luôn nhớ Yves Saint Laurent vì những thiết kế của thương hiệu này đã đưa phụ nữ tiến lên nấc thang hiện đại mới. Nấc thang mở ra thế giới của những phụ nữ tân tiến và tràn đầy tự tin. Điều đó thể hiện qua việc mặc các trang phục của nam giới, cụ thể là quần tây, tuxedo… theo cách rất nữ tính. Tôi nghĩ, dù chúng ta không mấy để ý đến điều này, nhưng phụ nữ ngày nay nợ Yves Saint Laurent rất nhiều vì ông là một trong những người quan trọng trong việc hình thành diện mạo của trang phục hiện đại. Ngoài ra, giới thời trang thế giới cũng nợ Yves Saint Laurent vì những tác phẩm mà ông ấy đã tạo ra qua sự nghiên cứu, kết hợp với các tác phẩm của nghệ sỹ lớn như Picasso, nghệ thuật ballet của Nga. Có lẽ ông là nhà thiết kế đầu tiên có cha người châu Phi và mẹ người châu Á, điều đó khiến những sáng tạo của ông trênsàn diễn rất mới mẻ. Riêng đối với tôi, Yves Saint Laurent còn rất đặc biệt vì ông ấy khá nhút nhát nhưng lại mang trong mình vô vàn câu hỏi về cuộc sống, về ý nghĩa của công việc và đôi khi vòng xoáy câu hỏi đó khiến ông bị giày vò. Nhà thiết kế tài năng này cũng là một người rất có tầm nhìn, ông tạo ra những sản phẩm tuyệt đẹp không chỉ để mua bán hay nhận được những lời tán dương, mà còn muốn khơi lên trong lòng người yêu thời trang câu hỏi về ý nghĩa của món đồ, ý tưởng đằng sau đó là gì…
Theo bà sự kiện cửa hàng đầu tiên của Saint Laurent mở cửa có ảnh hưởng gì đến ngành thời trang cao cấp của Việt Nam không?
Tôi không chắc việc này ảnh hưởng như thế nào, nhưng rõ ràng Saint Laurent sẽ thêm cạnh tranh vào thị trường thời trang cao cấp. Đây cũng là một thương hiệu đặc biệt và rất nổi tiếng, nghĩa là người yêu thời trang ở Việt Nam có thêm một lựa chọn chất lượng cao.
Nói về thời trang, với tư cách là một người làm công việc ngoại giao, yếu tố thời trang và phong cách đóng vai trò như thế nào trong công việc của bà?
Bạn biết đấy, ngoại hình là một phần vô cùng quan trọng của công việc ngoại giao. Ở một khía cạnh nào đó, người làm công việc này cũng là hình ảnh của đất nước mình. Phong cách và sự thanh lịch sẽ giúp một nhà ngoại giao gây ấn tượng tốt với đối tác, nghĩa là truyền bá hình ảnh đẹp của đất nước.
Bà có thể chia sẻ một chút về phong cách cá nhân của mình không?
Về phong cách cá nhân, tôi thích sự đơn giản, thanh lịch và thoải mái. Tôi chọn trang phục phù hợp với phong cách nhưng phải đơn giản, ngoài ra chất lượng cũng là một yếu tố rất quan trọng quyết định lựa chọn của tôi. Tôi cho rằng sự thanh lịch của một món đồ phụ thuộc nhiều vào chất lượng vải và đường cắt may.
Theo quan điểm của bà, phong cách của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Pháp khác nhau như thế nào?
Tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất hay. Trước tiên, tôi phải nói rằng chúng tôi, những phụ nữ Pháp rất yêu mến vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Khi các bạn du lịch đến đất nước chúng tôi, nhiều người bản xứ phải thốt lên: “Ôi họ xinh đẹp quá!”. Đối với riêng tôi, một lần nữa tôi phải nhấn mạnh rằng phụ nữ Việt Nam rất thanh lịch. Họ là những người luôn tìm kiếm sự hoàn hảo từ thái độ, ngoại hình, cách trang điểm đến trang phục. Bạn biết đấy, mái tóc suôn dài, vóc dáng gợi cảm và rất chỉn chu khi ra ngoài, ngay cả khi ngồi trên xe gắn máy lưng họ cũng luôn thẳng, đó không chỉ là vẻ đẹp về mặt ngoại hình mà còn là thần thái. Phụ nữ Pháp có một chút khác biệt, họ theo đuổi phong cách thể hiện cá tính. Đôi khi, bạn có thể thấy họ xuất hiện trong bộ dạng hơi luộm thuộm, xuất phát từ phong cách tôn vinh đẹp tự nhiên, phóng khoáng. Theo nhận định của tôi, phong cách của phụ nữ Pháp và phụ nữ Việt vô cùng khác nhau nhưng mỗi trường phái đều mang một vẻ đẹp riêng.
Theo nhận định của bà Eva , phong cách của phụ nữ Pháp và phụ nữ Việt vô cùng khác nhau nhưng mỗi trường phái đều mang một vẻ đẹp riêng
Một món đồ đặc biệt nào mà bà yêu mến trong những món đồ thời trang và phụ kiện đặc trưng của Việt Nam?
Tôi rất thích nữ trang Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm từ vàng, ở Pháp, loại nữ trang này không phổ biến lắm. Về phụ kiện, tôi yêu thích các sản phẩm làm từ chất liệu sơn mài. Đó là về trang sức và phụ kiện, về trang phục, tôi rất yêu áo dài. Đây là trang phục truyền thống tuyệt vời, dường như nó được sinh ra để tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ Việt, do đó, tôi nghĩ các bạn phải gìn giữ nét đẹp ấy bằng cách mặc áo dài thường xuyên (cười).
Về khía cạnh cuộc sống cá nhân, ngoài cương vị là Tham tán hợp tác Văn hóa của Đại sứ quán Pháp, bà cũng là Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam, liệu những công việc này có khiến bà quá bận rộn và thiếu thời gian dành cho gia đình? Bà giải quyết vấn đề đó như thế nào?
Như tất cả những phụ nữ có con và bận rộn khác, tôi luôn “tung hứng’ với lịch trình, các cuộc hẹn và chút cảm giác có lỗi với gia đình. Tôi luôn ở trong tư thế chạy đua, cũng khá mệt mỏi nhưng thực sự hạnh phúc. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng, điều này không hề dễ dàng, mỗi ngày tôi đều phải cân nhắc những thứ cần ưu tiên, sắp xếp mọi việc sao cho có thể dành đủ thời gian cho tất cả. Thực tế tôi chẳng có gì phàn nàn về cuộc sống tuyệt vời đang có, chỉ là đôi khi cảm thấy không đủ thời gian cho gia đình cũng như làm những điều mình muốn. Tôi cũng rất biết ơn vì chồng rất thông cảm luôn hỗ trợ tôi trong công việc.
Xin mạn phép hỏi bà có một thói quen sống hay một truyền thống Việt Nam nào đó trong đời sống hàng ngày của gia đình bà không thưa bà?
Đầu tiên phải kể đến là ẩm thực, chúng tôi yêu thích và rất hay dung các món ăn Việt Nam. Ngay cả khi ở Pháp, chúng tôi cũng đi ăn món Việt một vài lần mỗi tuần. Cha tôi là người Việt nên tôi đã ăn cơm từ nhỏ, chồng tôi là người có “trái tim Việt Nam” nên cũng rất thích các món ăn bản xứ, các con tôi cũng thế. Ngoài ra, hàng năm chúng tôi cũng ăn mừng Tết âm lịch khi ở Paris bằng cách chưng cây quất và trang hoàng ngôi nhà. Tôi thực sự rất trân trọng truyền thống tưởng nhớ tổ tiên của người Việt, những lúc có thể tôi thường thắp nhang trước bàn thờ của mẹ mình trong ngôi nhà cũ, đó là một cách ấm áp để tưởng nhớ người đã mất, tôi đánh giá cao truyền thống này.
Cảm ơn bà rất nhiều vì những chia sẻ thú vị này!
http://www.phap.fr/nghe-thuat-song-du-lich/2016/07/25/nguoi-phu-nu-phap-co-dong-mau-viet/

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ