Không cần đi sâu
vào bản, chỉ cần dọc theo quốc lộ 32 từ Tú Lệ lên thị trấn Mù Cang Chải
(Yên Bái), du khách đã có thể chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang
tầng tầng, lớp lớp vàng óng lên tới tận mây trời.
Mù Cang Chải là một huyện miền tây tỉnh Yên Bái, nằm cách Hà Nội khoảng
280 km. Muốn đến được huyện, du khách có thể lựa chọn xe khách hoặc các
phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) và đi qua đèo Khau Phạ - là một
trong tứ đại đèo của Tây Bắc.
Hàng năm đến mùa lúa chín, (từ tháng 9 đến tháng 10), dân phượt và
nhiếp ảnh lại đổ về đây để chiêm ngưỡng và ghi lại hình ảnh của những
thửa ruộng bậc thang đẹp đến mê hồn.
Đến Mù Cang Chải, bạn có thể tham quan cảnh sinh hoạt chợ buổi sớm, mua
đặc sản táo mèo và các sản vật rừng của bà con các dân tộc...
Hoặc thuê xe máy ngay tại thị trấn giá thuê một ngày khoảng 200-250.000
đồng (nếu đi xe khách) tham quan chụp ảnh quang cảnh thị trấn, hay vào
La Pán Tẩn, xuống Chế Cu Nha, Dế Xu Phình với danh lam thắng cảnh ruộng
bậc thang ngút ngàn nổi tiếng trong nước và thế giới.
Dòng Nậm Kim uốn khúc quanh những thửa ruộng nơi đây.
Những bức ảnh này được chụp tại xã Chế Cu Nha, quanh thị trấn Mù Cang Chải, dọc bên đường quốc lộ từ Tú Lệ lên thị trấn.
Nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, Mù Cang Chải hiện ra trong hành trình
đến với Yên Bái là hình ảnh những bản làng thanh bình bên ruộng bậc
thang đang mùa lúa chín.
Văn hoá canh tác ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông ở La Pán
Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đã biến tên Mù Cang Chải (tức làng cây khô)
thành đồi ruộng mùa màng tươi xanh sức sống cứ từng bậc, từng bậc vươn
cao lên trời.
Dưới bàn tay con người trải qua hàng chục năm, những thửa ruộng bậc
thang không chỉ phản ánh một phương thức canh tác độc đáo của tộc người
mà còn ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hoá.
Để có những bức ảnh phong cảnh đẹp, bạn có thể chọn chế độ chụp ảnh
phong cảnh (đối với máy du lịch), còn đối với máy ảnh chuyên nghiệp thì
cần mở khẩu độ từ f8 trở lên để nét toàn bức ảnh, và kiểm soát tốc độ,
ISO để cho bức ảnh được no sáng.
Huyện Mù Cang Chải có khoảng 90% là người dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái Kinh và các dân tộc khác.
Người Mông ở đây có những nét rất đặc sắc như nhà có sàn, cột và khung
bằng gỗ, tường lịa ván, mái lợp gỗ pơmu chẻ mỏng. Mùa Thu trên đây trời
đã se lạnh, khi đi du khách nhớ mang theo áo khoác; bổ sung các kỹ năng
và vật dụng cần thiết để có một chuyến đi an toàn, vui vẻ.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ