Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Để có ảnh chụp bình minh hoàn hảo

Khung cảnh buổi sớm với những tia nắng cùng màn sương mờ ảo luôn thu hút người xem, nhưng để truyền tải cảm xúc vào những khuôn hình lại không hề dễ dàng.

Lên kế hoạch từ trước

Một bức ảnh chụp đẹp có thể tạo ra từ những khoảnh khắc bất ngờ, ngẫu hứng nhưng với thể loại ảnh phong cảnh trong bình minh lại thường là kết quả của quá trình chuẩn bị và lên kế hoạch kỹ càng. Đầu tiên, người cầm máy phải hiểu rõ nơi mình định chụp và vị trí chính xác hướng mặt trời mọc. Hãy tìm cả những góc mà ánh sáng của mặt trời không thực sự mạnh nhất nhưng vẫn có thể tạo ra những hiệu ứng hay khuôn hình mới lạ.
Khoảng thời gian mà mặt trời mọc với ánh sáng đẹp nhất thường chỉ diễn ra vào khoảng nửa tiếng đồng hồ (thời gian cụ thể còn phụ thuộc vào các địa điểm nhất định). Chính vì vậy, việc nghiên cứu trước phương án chụp từ một đến hai ngày sẽ giúp nhiếp ảnh gia không bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp.

Thử sử dụng nhiều tiêu cự và góc nhìn khác nhau

Ống kính góc rộng có thể tạo ra những bức ảnh phong cảnh tuyệt vời nhưng với khung cảnh sương sớm lại là chưa đủ. Mặt trời chỉ là một phần rất nhỏ khi sử dụng ống kính góc rộng nên hiệu ứng mà nó mang lại qua một bức hình sẽ không ấn tượng so với nhìn thực tế. Nếu muốn nhấn mạnh vào chi tiết này, người cầm máy có thể cần đến một ống kính với tiêu cự trên 200 mm. Cũng cần lưu ý thêm về các cài đặt của máy khi chụp đối diện mặt trời để không gây các tác hại đến cảm biến.
binhminh-5970-1411113205.jpg
Những khoảnh khắc đẹp trong ánh bình minh luôn diễn ra rất nhanh.
Ảnh tham gia Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress 2014 của tác giả Thái Bình Minh.

Vẻ đẹp của hình khối trong kỹ thuật chụp ngược sáng

Trong ảnh chụp ngược sáng, vẻ đẹp của hình khối luôn được đề cao tối đa và đây cũng là một bí quyết không thể thiếu khi nói đến ảnh chụp trong bình minh. Một dãy núi, cây cối hay cả con người hay loài vật đứng trước ánh mặt trời và đổ bóng có thể tạo ra những hiệu ứng khác lạ và tạo cảm xúc mạnh cho người xem. Chưa kể, trong khoảnh khắc giao thời, màu sắc của bầu trời cũng luôn rất đẹp giúp bức ảnh có được điểm nhấn cần thiết.

Quy tắc một phần ba

Một quy tắc rất cổ điển nhưng luôn luôn hữu dụng trong nhiếp ảnh nói chung và tất nhiên cả trong ảnh chụp sương sớm. Chủ thể đặt trong mặt cắt một phần ba của khuôn hình sẽ tạo ra những hiệu ứng khác biệt. Trong đó, đường chân trời, bóng đổ, mặt trời luôn là những yếu tố được quan tâm hàng đầu.
Untitled-2-6347-1411113205.jpg
Quy tắc một phần ba và kỹ thuật chụp ngược sáng cũng phát huy tác dụng trong ảnh sương sớm. Ảnh: Thomashawk.

Kiểm soát cân bằng trắng bằng tay

Khoảng thời gian giao thời giữa tối và sáng luôn tạo ra những màu sắc thú vị nhưng nếu để thiết lập cân bằng trắng tự động, nhiếp ảnh gia chưa chắc đã thu nhận được đúng những gì mắt thấy. Để lưu giữ được ánh sáng vàng độc đáo ở thời điểm này, có thể điều chỉnh máy với nhiệt độ màu cao lên một chút thay vì để chế độ tự động mặc định.
Phơi sáng
Người chụp thông thường chỉ nghĩ đến kỹ thuật chụp phơi sáng khi trời tối nhưng trong ánh bình minh cũng có thể áp dụng kỹ thuật này. Với tốc độ màn trập không quá chậm, lâu nhất là từ khoảng từ một đến hai giây, hiệu ứng đem lại cũng rất thú vị như với các dòng nước chảy trở nên mịn và huyền ảo hơn.
suong-6067-1411113205.jpg
Khung cảnh buổi sớm luôn cho ra những màu sắc "ma thuật".
Ảnh tham gia Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress 2014 của tác giả Nguyễn Hoài Văn.

Mang theo chân máy

Ngay cả khi không chụp phơi sáng, nhiếp ảnh gia vẫn thường phải mang theo một chân máy. Trang bị này đảm bảo cho người dùng chụp ở ISO thấp (làm tốc độ chụp thấp đi) nhưng ảnh vẫn sắc nét.
Lấy nét thủ công
Khoảng thời gian bình minh thường có sương sớm đẹp huyền ảo nhưng cũng chính điều này làm cho cảnh vật không thực sự rõ ràng khiến máy đôi khi bắt nét sai. Trong những trường hợp như vậy, người cầm máy có thể chuyển sang chế độ lấy nét tay và xoay chỉnh đúng độ cần thiết để có được bức ảnh sắc nét.

Tuấn Hưng
http://sohoa.vnexpress.net/tin-tuc/kinh-nghiem/de-co-anh-chup-binh-minh-hoan-hao-3081720.html

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ