Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Tốc độ màn trập và câu hỏi tại sao ảnh không nét

Việc thiết đặt tốc độ màn trập có tác động đến thời lượng để ánh sáng đến được cảm quang (hoặc bề mặt phim đối với máy ảnh chụp bằng phim).
Độ mở rộng hoặc thu nhỏ của các lá khẩu trong ống kính còn được gọi là “khẩu độ”, có tác động trực tiếp đến lượng ánh sáng đi vào cảm quang (hoặc bề mặt phim gắn trong máy ảnh đối với máy ảnh chụp bằng phim). Việc thiết đặt tốc độ màn trập có tác động đến thời lượng để ánh sáng đến được cảm quang (hoặc bề mặt phim đối với máy ảnh chụp bằng phim).
 
Có thể hình dung đơn giản hơn với hai tình huống sau: nếu với một thiết đặt tốc độ màn trập máy ảnh nhanh, thì cần một lượng ánh sáng nhiều, và để có lượng sáng nhiều thì cần khẩu độ mở lớn. Ngược lại, nếu tốc độ màn trập máy ảnh chậm, thì khẩu độ khép nhỏ hơn. Một biến số khác tác động đến việc cân bằng mức độ phơi sáng là ISO, dựa theo độ nhạy sáng của cảm quang hoặc của phim bên trong máy ảnh. Chúng ta sẽ tìm hiểu trong một dịp khác, bài này tập trung về “tốc độ màn trập”.
 
Chụp ở tốc độ quá chậm, máy ảnh không cố định, ảnh mờ nhoè mọi vật thể toàn khung ảnh.
Chụp tốc độ cao, bắt dính cả giọt nước đang rơi xuống. Tấm này tôi sử dụng ống macro,
gắn cố định máy ảnh vào tripod, tốc độ 1/250s, và cho nước nhỏ giọt xuống tô nước.
 
Như vậy, với tình huống tuỳ chỉnh tốc độ màn trập quá chậm, tay giữ máy ảnh có độ rung lắc, ảnh được chụp có kết quả bị mờ nhoè. Chẳng hạn trường hợp bức ảnh trên, tôi chụp ở tốc độ 1/10s trong tư thế máy ảnh không cố định, ảnh mờ nhoè không thể cứu vãn. Theo kinh nghiệm của nhiều người chụp ảnh đúc kết lại thành nguyên tắc, tuy không hoàn toàn chính xác 100%, nhưng có hiệu quả trong thực tế đa phần cho những người bắt đầu như anh em chúng ta, đó là thiết đặt tốc độ màn trập (chúng ta hay dùng từ “tốc độ chụp”) đối ứng với tiêu cự của ống kính (tiêu cự tương ứng với máy ảnh khổ film 35mm) đang sử dụng trên máy ảnh. Ví dụ, nếu ta đang sử dụng ống kính một tiêu cự 60mm trên máy ảnh fullframe, thì tốc độ màn trập tối thiểu nên chọn là 1/60 giây; nếu cùng ống kính tiêu cự 60mm gắn trên thân máy ảnh có cảm quang APS-C, tức là hệ số crop 1.5x tức tiêu cự tương ứng với ống kính trên lúc đó là 90mm, thì tốc độ màn trập nên chọn là 1/90 giây. Để đơn giản và khỏi phải tính toán thì bạn cứ nhân đôi tiêu cự lên, chẳng hạn với ống kính tiêu cự 60mm, tốc độ màn trập được chọn để ảnh không mờ nhoè (out nét) là 1/120s hoặc nhanh hơn. Xin nhắc lại nguyên tắc này là đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của nhiều người, không phải là nguyên lý của nhiếp ảnh.
 
Nguyên tắc này cần thiết áp dụng cho việc cầm tay chụp ảnh mà thôi. Có nhiều cách khác để chụp với tốc độ màn trập chậm hoặc rất chậm, không cần tương ứng với tiêu cự ống kính, mà vẫn có ảnh sắc nét hoặc độ mờ nhoè có chủ ý. Có thể đặt máy ảnh trên chân máy ba chân (tripod) để giữ vững sự ổn định tối đa có thể, đặc biệt trong trường hợp phơi sáng lâu như các bức ảnh phơi đêm chẳng hạn. Chân máy một chân (monopod) cũng có thể giữ ổn định phần nào, hoặc cho phép thực hiện một cú lia máy (panning). Hoặc, máy ảnh hay ống kính có cơ chế giảm rung (hoặc gọi là cơ chế ổn định hình ảnh) với hệ thống điện tử, giảm độ mờ nhoè ảnh trong trường hợp chụp với tốc độ màn trập chậm cả khi cầm tay chụp.
 
Bức ảnh trên bị mờ nhoè do máy ảnh rung lắc. Chúng ta thấy các vật thể tĩnh đều bị mờ nhoè tạo vệt chuyển động, các vật có vệt sáng, đó là do chuyển động của máy ảnh chứ không phải chuyển động của các vật thể. Trường hợp ngược lại, máy ảnh không rung lắc, nhờ gắn vào chân máy, hoặc nhờ cơ chế giảm rung của máy ảnh hoặc ống kính, nhưng đối tượng chụp chuyển động, thì ở tốc độ màn trập quá chậm, ảnh vẫn bị mờ nhoè. Hiện tượng mờ nhoè ảnh trong trường hợp này không do máy rung lắc mà nguyên nhân là tốc độ màn trập chậm. Để cố định đối tượng chụp, cần tuỳ chỉnh một tốc độ chụp đủ nhanh để làm ngưng (bắt nét dính) hoạt động đang diễn tiến. Chẳng hạn chụp ảnh thể thao, các em bé đang chơi... sẽ đòi hỏi tuỳ chọn tốc độ màn trập nhanh, có thể tốc độ lúc đó là 1/500 giây hay 1/1000 giây trở lên chẳng hạn.
 
Máy ảnh không rung lắc, nhưng đoàn thuyền chèo mờ nhoè do chuyển động, tán lá cây và vách đá vẫn nét.
 
Cũng trường hợp máy ảnh không rung lắc, tôi ngồi trên bờ đối diện, máy cố định,
cảnh vật đền thờ xung quanh đều nét, nhưng các thuyền chèo bên dưới chuyển động và bị mờ nhoè.
 
Việc quyết định làm ngưng chuyển động (bắt nét dính) một vật chuyển động ở mức độ nào là tuỳ ý định của người chụp. Từ ý định ban đầu, việc chọn tốc độ màn trập sẽ tạo ra những bức ảnh chuyển động mờ nhoè có chủ ý. Trường hợp phơi sáng với tốc độ màn trập rất chậm, gắn máy ảnh vào chân máy, các đối tượng di chuyển trong ảnh hoàn toàn không còn hình dáng, chỉ còn các vệt sáng. Đó là trường hợp chủ ý của người chụp.
 
Chụp tốc độ chậm trong trường hợp phơi sáng có chủ ý. Hai làn xe chỉ để lại vệt sáng, các ngôi nhà và xe đậu lề đường vẫn nét rõ.
Tấm này tôi chụp tốc độ 30 giây (f/16 ISO 100)
Các bạn hãy xem tấm ảnh sau. Chụp từ ghế sân khấu lên màn chiếu phim. Máy ảnh giữ cố định và chụp ở tốc độ đủ để không rung lắc. Ảnh bắt nét toàn bộ khung ảnh. Đạt yêu cầu độ nét, hình ảnh và chữ nghĩa rõ ràng.
 
Tuy nhiên, tôi không thích và chụp tiếp tấm sau:
Sự mờ nhoè do máy ảnh chuyển động: Tấm ảnh này tôi chụp tốc độ chậm, 1/2 giây và vừa bấm máy vừa xoay mày theo chiều kim đồng hồ để tạo sự mờ nhoè theo ý muốn để tạo hiệu ứng cảm giác hơn. Ảnh chụp dịp giới thiệu công nghệ phim tương tác.
Sự mờ nhoè do máy ảnh chuyển động: Tấm này chụp chậm ở tốc độ 1 giây, vừa bấm máy vừa đưa máy chuyển động theo chiều đứng từ trên xuống, tạo vệt sáng theo ý muốn. Ảnh chụp trong Smile Angkor dịp Tinhte nghỉ thường niên 2013.
 
Một cách chụp nhoè vật thể hoặc chuyển động đầy sáng tạo là lia máy, xoay máy, hay với thủ thuật zooming (vừa chụp vừa zoom in hoặc zoom out ống kính), nếu kỹ thuật vững, với tốc độ màn trập chậm vừa đủ, sẽ có những bức ảnh thú vị, tạo cảm giác xem ảnh.
 
Máy ảnh chịu sự rung lắc trên thuyền, vừa chụp vừa zooming, tạo cảm giác chuyển động của chiếc thuyền vượt ra khỏi cửa động.
 
Chẳng hạn tấm ảnh sau, tôi đã chụp các tấm ảnh trước đó nét căng anh nhạc công, nhưng không có cảm giác buổi rock bằng chụp chậm lại để đủ nét nhân vật và mờ nhoè các chuyển động. Điều này cũng tuỳ ở chủ ý và cảm xúc của từng người, nhưng cá nhân mình có chủ ý ấy trong tất cả các bức ảnh trong bài này.
 
Tạo cảm giác nhiều hơn là bắt dính chuyển động.
 
 
Hay như tấm dưới này, nếu bắt dính chuyển động thì giảm đi cảm giác động trong ảnh.
 
Thiết lập tốc độ màn trập thế nào?
Trong nhiều tuỳ chọn phương thức chụp của máy ảnh, có phương thức thiết đặt tốc độ tự động. Trên các dòng máy DSLR và nhiều loại máy ảnh khác, có một nút gọi là ưu tiên tốc độ. Thường được đánh dấu bằng chữ “S” (Nikon) hoặc “Tv” (Canon). Bằng cách chuyển qua chế độ ưu tiên tốc độ này, người chụp chủ động kiểm soát tốc độ và để cho máy tuỳ ứng trị số khẩu độ thích hợp cho chính xác với môi trường ánh sáng. Các chỉ số tốc độ thường giới hạn từ 30 giây đến 1/8000 giây trên một số dòng máy mình biết. Ngoài ra, có máy ảnh cho phép chụp với chế độ “Bulb”, cho phép giữ nguyên vị trí màn trập mở khi bấm nút chụp và chỉ đóng khi nút bấm chụp được thả ra. Tốc độ màn trập khi đó dựa vào việc người chụp giữ nút chụp lâu hay mau. Ở chế độ “Bulb” này, sự rung lắc là không tránh khỏi, nên phải gắn máy ảnh lên chân máy hoặc đặt máy ảnh cố định trên bề mặt nào đó, thậm chí phải sử dụng một phụ kiện bấm máy bên ngoài, hay gọi là remote, dây bấm mềm...
 
Lời cuối:

Bài viết cơ bản chỉ mong giúp các bạn bắt đầu làm quen máy ảnh và việc chụp ảnh. Nếu đang loay hoay với khái niệm tốc độ chụp (tốc độ màn trập), hy vọng bài viết này giúp các bạn thêm được phần nào cho việc giải thích ảnh của mình bị mờ nhoè, tình trạng rung lắc, thiết lập tốc độ. Có những hạn chế trong bài do khả năng, mong các bậc cao thủ thông cảm và bổ sung.
Theo Tinh tế
http://congnghe.nld.com.vn/nhiep-anh/toc-do-man-trap-va-cau-hoi-tai-sao-anh-khong-net-2013061905554472.htm

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ