Quân Vương nhân nghĩa, muôn dân được lợi ích
20/12/2016 by nghiemluongthanh
Người có lòng nhân nghĩa một khi làm việc gì đều suy xét đến lợi ích của người khác trước lợi ích của bản thân mình. Bởi vậy, nếu trong một phạm vi nhỏ là một tập thể hay phạm vi lớn là một quốc gia, người đứng đầu có lòng nhân nghĩa thì những người bên dưới sẽ thu được lợi ích.
Mạnh Tử người nước Trâu thời Xuân Thu, một lần ông đi đến gặp vua của nước Ngụy là Ngụy Huệ Vương.
Ngụy Huệ Vương hỏi Mạnh Tử: “Tiên sinh, ngài từ ngàn dặm xa xôi tới đây, chắc chắn là muốn mang đến chút lợi ích cho nước của chúng tôi rồi!”
Mạnh Tử điềm tĩnh đáp: “Quốc Vương, ngài sao có thể mở miệng ra là nói đến lợi ích thế? Làm một vị Quốc Vương thì nên phải lấy nhân nghĩa làm trọng. Nếu như một vị Quốc Vương mà hễ mở miệng là nói đến lợi ích của đất nước ra sao, quan lại hễ mở miệng là nói đến lợi ích của gia tộc mình sẽ như thế nào. Hạ quan và dân chúng hễ mở miệng là đều nói làm sao mới có được lợi ích cho bản thân mình. Cứ như thế, từ Quân Vương cho tới dân chúng, đều vì lợi ích của cá nhân mình mà tranh mà đấu thì thiên hạ chẳng phải bị nguy hiểm rồi sao?”
Ngụy Huệ Vương nghe xong lời này của Mạnh Tử liền nói: “Ngài dạy thật đúng quá!”
Trước đó, Mạnh Tử từng hỏi thầy của ông là Tử Tư rằng: “Trong biện pháp cai trị dân chúng thì nên đặt điều gì lên hàng đầu?”
.
Tử Tư nói: “Phải đặt lợi ích của dân chúng lên trước!”
Mạnh Tử lại nói: “Người quân tử giáo dục dân chúng chỉ nói hai từ ‘nhân nghĩa’, cần gì phải nhắc đến hai từ ‘lợi ích’ đây?”
Tử Tư giảng đạo cho Mạnh Tử nghe: “Nhân nghĩa vốn cũng là vì lợi ích của dân chúng. Bởi vì bên trên bất nhân mà bên dưới không được lợi ích, bên trên bất nghĩa mà bên dưới trở nên ham thích lừa gạt. Đây mới là bất lợi lớn đó! Bởi thế mà Chu Dịch viết: ‘Lợi là tổng hòa của nghĩa’, lại viết: ‘Lợi có thể làm yên ổn lòng dân, sau đó mới có thể khiến người ta tôn sùng đạo đức’. Những điều này đều là để nói rằng: Lợi ích của dân chúng chính là đại tiền đề.”
Tư Mã Quang từng bình luận về hai đoạn đối thoại trên rằng: “Lời nói của Tử Tư và Mạnh Tử là nhất trí với nhau. Chỉ có người nhân nghĩa mới hiểu được rằng nhân nghĩa vì sao có thể trở thành lợi ích của dân chúng. Người bất nhân nghĩa thì thật khó để hiểu được. Cho nên, nguyên nhân Mạnh Tử chỉ giảng ‘nhân nghĩa’ với Ngụy Huệ Vương mà không nhắc đến lợi ích là vì đối tượng giảng bất đồng mà thôi.”
Bởi vậy, có thể thấy rằng “nhân nghĩa” của bậc Quân Vương và “lợi ích” của dân chúng là nhất trí với nhau.
An Hòa
https://nghiemluongthanh.wordpress.com/2016/12/20/quan-vuong-nhan-nghia-muon-dan-duoc-loi-ich/
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ