Hệ thống ẩn trong tượng Phật đá lớn nhất thế giới
Thứ tư, 15/7/2015
Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật cao 71 mét ở Trung Quốc được xem là tượng đá lớn nhất thế giới, với hệ thống thoát nước ẩn trong người giúp tượng Phật tránh khỏi sự xói mòn nghiêm trọng và phong hóa suốt hàng thiên niên kỷ.
Tượng đá Lạc Sơn Đại Phật. Ảnh: Wikipedia
|
Nằm cách thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc 160 km về phía nam,
bức tượng Lạc Sơn Đại Phật hơn 1.300 tuổi được tạc vào núi Lăng Vân là
tượng Phật làm bằng đá lớn nhất nhất thế giới.
Bức tượng đối diện núi Nga Mi ở phía đông thành phố Lạc Sơn. Đây là nơi
giao nhau của ba con sông Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y. Bức tượng tạc
một tu sĩ đang mỉm cười, dáng ngồi bình thản, hai tay để trên đầu gối,
mắt nhìn chăm chú qua sông.
Đây được cho là tượng Phật Di Lặc, đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Nin
(người sáng lập của Phật giáo), tượng trưng cho sự sáng suốt và hạnh
phúc. Việc tôn thờ Phật Di Lặc đặc biệt phổ biến giữa thế kỷ thứ 4 và
thứ 7. Hiện nay, hình ảnh của Phật Di Lặc vẫn còn xuất hiện trong những
ngôi chùa khắp Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Sự hấp dẫn của tượng Phật không chỉ nằm ở kích thước mà còn thể hiện
qua kiến trúc khéo léo. Toàn bộ bức tượng được làm từ đá, ngoại trừ phần
tai làm từ gỗ phủ đất sét. Tóc của Phật là 1.021 vòng xoắn đá gắn vào
đầu.
Mái tóc tượng Phật có 1.021 vòng xoắn. Ảnh: Chi King/Flickr
|
Chiều cao bức tượng bằng tòa nhà mười tầng (71 mét), phần đầu cao 15
mét, vai rộng 28 mét, lông mày dài 5,5 mét, mũi cao 6 mét, tai dài 7 mét
có khả năng giữ hai người bên trong, mỗi bàn chân trần dài 11m, rộng
8,5m, đủ lớn cho hơn 100 người ngồi. Trong tư thế đứng thẳng, tượng Phật
sẽ ngang bằng với tượng Nữ thần Tự do của Mỹ. Phật ngồi ở tư thế đối
xứng, tạo ra cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái.
Hệ thống thoát nước khéo léo
Dù có nhiều phần nhỏ bị hư hại nhưng đáng ngạc nhiên là bức tượng vẫn
còn nguyên vẹn, nhờ vào hệ thống thoát nước ngầm, giúp các phần bên
trong luôn khô ráo. Một số đoạn thoát nước ẩn trong tóc, cổ, và nhiều
rãnh phía sau tai, ngực. Hệ thống này giúp tượng Phật tránh khỏi sự xói
mòn nghiêm trọng và phong hóa suốt hàng thiên niên kỷ. Lúc đầu bức tượng
được bảo vệ bởi 13 tầng gác làm bằng gỗ lớn, nhưng chúng đã bị phá hủy
vào cuối triều đại nhà Minh, khiến bức tượng không còn được che chắn
nữa.
Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật được khởi công xây dựng vào năm 713 thời nhà
Đường, do nhà sư Hải Thông người Trung Quốc chỉ huy. Ông hy vọng rằng
tượng Phật có thể giúp làm cho nước sông chảy êm đềm, tạo thuận lợi cho
tàu thuyền đi lại trên sông.
Theo truyền thuyết, một số quan chức chính quyền địa phương muốn lấy số
tiền quyên góp xây tượng Phật từ Hải Thông, nhưng nhà sư này tuyên bố
thà mù mắt chứ không chịu mất tiền.
Khi ngân khố dành cho công trình không còn, nhà sư đã tự khoét mắt để
thể hiện sự chân thành và tận tâm vào công việc. Cuối cùng ông cũng gom
đủ số tiền sau 20 năm đi quyên góp và tiết kiệm. Khi ông qua đời, hai đệ
tử của ông tiếp tục cho xây dựng công trình và hoàn thành năm 803.
Kể từ khi xây xong tượng Phật, dòng nước sông hung dữ trở nên hiền hòa.
Theo giải thích của các nhà khoa học, trong quá trình xây dựng, đá từ
vách núi rơi xuống đáy sông, thay đổi dòng chảy, khiến con sông an toàn
hơn. Nhờ đó tàu bè có thể yên tâm qua lại.
Nhà sư Hải Tông, người có công xây dựng tượng Lạc Sơn Đại Phật. Ảnh: David Schroeter/Flickr
|
Ngoài tượng Lạc Sơn Đại Phật, hàng nghìn tượng Phật nhỏ được người dân
chạm khắc xung quanh bức tượng khổng lồ này, tạo thành một bảo tàng điêu
khắc trên núi của Phật giáo.
Khu vực Nga My bao gồm bức tượng Lạc Sơn Đại Phật được UNESCO công nhận
là Di sản thế giới vào năm 1996. Hiện nay, bức tượng Phật luôn là một
trong những điểm đến hấp dẫn nhất của Trung Quốc.
Lê Hùng
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ