Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Jury Duty: Hệ Thống Phân Xử Của Luật Pháp Hoa Kỳ

 
***
Trần Quốc Sỹ
 
Hệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ, áp dụng cho hầu hết các tội về hình luật (criminal) và dân luật (civil), được phân xử dựa trên căn bản phán quyết của bồi thẩm đoàn (jury), ngoại trừ một số nhỏ chỉ dựa trên phán quyết của người thẩm phán hoặc chánh án (judge).  Nhiều người cho rằng, phân xử dựa trên phán quyết của bồi thẩm đoàn là không công bằng vì bị cáo bị kết tội hay được tha bổng bởi mười hai bồi thẩm viên (jurors), mà những người này hoàn toàn không có kiến thức căn bản về pháp luật.  
 
Lẽ dĩ nhiên, không có một hệ thống pháp luật nào của bất cứ quốc gia nào trên thế giới được coi là toàn hảo, nhưng đối với tác giả, phân xử theo hệ thống bồi thẩm đoàn của luật pháp Hoa Kỳ là tốt nhất vì nó đảm bảo được sự công bằng của nền công lý.  Với hệ thống bồi thẩm đoàn, người bị kết tội hình sự phải thực sự có tội vì phải được sự đồng thuận của toàn thể 12 người, không còn nghi ngờ gì nữa, dù chỉ một chút nghi ngờ (reasonable doubt).
 
Tha lầm còn hơn kết tội lầm căn bản của luật pháp Hoa Kỳ.
 
Để giúp những đọc giả chưa từng được toà án gọi, hoặc không hội đủ điều kiện làm bồi thẩm viên, hiểu rõ hơn về bồi thẩm đoàn của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, tác giả xin được trình bày tóm gọn như sau:
 
Điều kiện để được toà án gọi đi làm bổn phận bồi thẩm đoàn là bạn phải:
  • Trên 18 tuổi
  • Mang quốc tịch Hoa Kỳ
  • Cư ngụ nơi quận hạt hiện tại ít nhất là một năm
  • Nói và hiểu Anh Ngữ (trình độ Anh ngữ của bạn sẽ được thẩm định bởi người chánh án) 
  • Không khuyết tật về tinh thần hay thể xác
  • Chưa từng bị kết tội đại hình

Những người sau đây được miễn thi hành bổn phận bồi thẩm đoàn:
  • Quân nhân hiện dịch
  • Lính cứu hoả
  • Nhân viên cảnh sát
  • Những nhân viên thuộc các cơ quan công lực liên bang, tiểu bang hay địa phương đang tòng sự toàn thời gian

Những người sau đây, nếu làm đơn xin, có thể được miễn thi hành bổn phận bồi thẩm đoàn:
  • Những người trên 70 tuổi
  • Đã là bồi thẩm viên cho toà án liên bang trong hai năm vừa qua
  • Những tình nguyện viên làm nhân viên cứu hoả, nhân viên cấp cứu, tài xế xe cấp cứu

Quan toà cũng có thể miễn cho bạn bổn phận bồi thẩm đoàn nếu ông ta xét rằng điều kiện tài chánh của gia đình bạn eo hẹp và nếu bạn thi hành bổn phận bồi thẩm đoàn, gia đình bạn sẽ lâm vào hoàn cảnh túng quẫn. Số tiền toà án chi trả cho một bồi thẩm viên rất khiêm nhượng.

Nếu bạn là công dân Hoa Kỳ, khi bạn được cấp bằng lái xe, hoặc khi bạn ghi danh bầu cử, tên của bạn sẽ được cho vào computer của toà án.  Một ngày đẹp trời nào đó, tên của bạn sẽ được computer chọn ra bằng cách chọn lựa không nhất định (randomly selected).  Sau đó, bạn sẽ nhận được một phong thơ từ toà án gởi tới tận nhà bởi toà án quận hạt, tiểu bang hay liên bang nơi bạn cư ngụ.  Mở ra, bên trong là một thơ báo cho bạn biết là bạn phải thi hành bổn phận công dân: làm bồi thẩm viên.  Toà án cũng sẽ cho bạn biết ngày, giờ bạn phải trình diện tại toà án được chỉ định.  Cách trình diện toà án sẽ thay đổi tuỳ theo toà án của quận hạt, tiểu bang hoặc liên bang.  Nhiều toà án buộc bạn phải trình diện mỗi ngày liên tiếp trong một hay hai tuần lễ.  Nhiều toà án cho phép bạn gọi vào sau năm giờ chiều mỗi ngày để xem bạn có phải trình diện ngày hôm sau hay không.
 
Khi đến trình diện, bạn sẽ được hướng dẫn tới phòng bồi thẩm đoàn (jury room), nơi đó bạn sẽ gặp hằng trăm người khác cũng được gọi làm bổn phận công dân như bạn.  Nhân viên làm việc tại phòng bồi thẩm đoàn sẽ cho bạn biết các luật lệ, thủ tục liên quan đến việc tuyển chọn một bồi thầm viên.  Sau đó bạn ngồi chờ họ gọi tên.  Trong khi chờ đợi để được gọi tên, bạn có quyền đọc báo, xem tivi, ngủ, hoặc làm bất cứ việc gì ngoài việc ra khỏi phòng.
 
Khi phòng xử án cần bồi thẩm đoàn, họ sẽ gởi giấy yêu cầu xuống phòng đợi.  Nhân viên trực tại đây sẽ gọi tên một nhóm chừng khoảng năm chục người để gởi đến phòng xử.  Nếu bạn không được đọc tên, bạn tiếp tục chờ đến lần đọc tên kế, hoặc chờ cho đến hết ngày nếu vẫn không được chọn.  Bạn có thể phải trình diện hoặc không  phải trình diện ngày hôm sau tùy theo nhu cầu của toà án.
 
Nếu bạn có tên trong danh sách, bạn sẽ được hướng dẫn đến phòng xử án.  Tại phòng xử án, cho một tội hình sự, luật sư bên nguyên cáo (plantiff) là những luật sư kết tội (prosecutor) thuộc văn phòng biện lý (District Attorney), đại diện cho công chúng (people), ngồi bên tay phải.  Người bị kết tội được gọi là bị cáo (defendant) và luật sư của họ (defense lawyer) sẽ ngồi bên tay trái.  Vị thẩm phán (judge) mặc áo đen sẽ ngồi ở giữa.  Ngoài ra trong phòng xử còn có người thư ký (court clerk), người thư ký ghi chép những gì xảy ra (stenographer) và người cảnh sát giữ an ninh (bailiff).
 
Thủ tục và tiến trình chọn lựa bồi thẩm đoàn tại phòng xử án rất nhiêu khê và phức tạp.  Chỉ cho một vụ án thật nhỏ, tiến trình này cũng mất cả một hay hai ngày.  Cho những vụ án lớn, nghiêm trọng hoặc liên quan đến những người nổi danh, đôi khi phải mất cả tháng toà án mới chọn được một bồi thẩm đoàn, chính thức và dự khuyết.
 
Thông thường, một bồi thẩm đoàn sẽ gồm 14 người bồi thẩm viên (thường là 12 người chính thức và 2 người dự khuyết).   Trong những những phiên xử nghiêm trọng, số bồi thẩm viên dự khuyết có thể nhiều hơn, nhưng số bồi thẩm viên chính thức vẫn là 12.
 
Đầu tiên, người thư ký sẽ dùng computer để chọn lựa không nhất định ra mười hai bồi thẩm viên chính thức và sáu người dự khuyết trong số người được gởi đến.  Những người được chọn và được gọi tên sẽ lần lượt ngồi vào ghế của bồi thẩm viên đã được đánh số từ 1 đến 18.  Những người còn lại không được chọn sẽ ngồi tại chỗ.
 
Sau khi mười tám người bồi thẩm viên dự bị được chọn ngồi vào ghế, quan toà sẽ nói lời chào mừng và cho họ biết về chi tiết và thủ tục chọn lựa bồi thẩm đoàn.  Quan toà cũng sẽ cho những người bồi thẩm viên dự bị biết về cáo trạng của bị cáo trong phiên xử ngày hôm đó.  
Sau đó những người bồi thẩm viên dự bị sẽ được quan toà hỏi những câu hỏi căn bản sau đây:
  • Tên
  •  Nghề nghiệp
  • Gia cảnh, có gia đình hay chưa?  Nghề nghiệp của người phối ngẫu
  • Con cái? Nghề nghiệp của những con trên 18 tuổi
  • Thành phố nơi cư ngụ
  • Đã từng làm bồi thẩm viên hay chưa?  Nếu có, vụ án đã được xử như thế nào? Kết tội hay tha bổng?

Để cho việc xử án được công bằng và vô tư, quan toà cũng muốn biết người bồi thẩm viên dự bị có liên hệ gì với luật sư hai bên, bị cáo hay nguyên cáo hay không?  Người bồi thẩm viên dự bị có thân nhân hay quen biết bất cứ một ai trong hệ thống pháp luật, như quan toà, luật sư, cảnh sát hay không? Một chi tiết nữa mà quan toàn sẽ hỏi người bồi thẩm viên dự bị là họ có bao giờ đã là nạn nhân, bị cáo hay liên quan đến bất cứ một vụ thưa kiện nào mà tội trạng giống như phiên toà sắp xử hay không?  Những chi tiết này cũng được hai vị luật sư của nguyên cáo và bị cáo ghi chép và để ý.

Những người bồi thẩm viên lúc này cũng có cơ hội để thoái thác hay từ chối để trở thành một bồi thẩm viên bằng cách trình bày lý do với người thẩm phán.  Những lý do được đưa ra thường là:  điều kiện tài chánh eo hẹp, không đủ khả năng Anh ngữ, không thể vắng mặt tại sở làm, sức khoẻ yếu kém, vân ...vân ... Tuy nhiên, quyền quyết định để được miễn, không phải làm bồi thẩm viên sẽ thuộc về người chánh án.   Thông thường, lý do tài chánh, không đủ khả năng Anh ngữ hay không thể vắng mặt tại sở làm sẽ không được người chánh án chấp thuận.

Sau khi 18 người bồi thẩm viên dự bị đã trả lời các câu hỏi, luật sư của hai bên sẽ lần lượt loại ra (excuse) những bồi thẩm viên mà họ nghĩ là sẽ không có lợi cho họ.   Luật lệ loại bỏ bồi thẩm viên thay đổi tuỳ theo toà án.  Thông thường, cho một phiên toà nhỏ, luật sư mỗi bên có thể loại bỏ 12 người đầu tiên mà không cần phải có lý do.  Trên con số này, luật sư phải có lý do chính đáng và phải được quan toà đồng ý.

Sau mỗi bồi thẩm viên bị loại bởi luật sư hai bên, người thư ký sẽ chọn ra một người trong số người còn lại để thay thế cho người bị loại.  Những người lên thay thế cũng sẽ được hỏi những câu hỏi tương tự như những người trước.  Luật sư hai bên dựa trên những câu trả lời để quyết định nên giữ hay nên loại họ.  Tiến trình chọn lựa này sẽ được lập lại cho đến khi hai vị luật sư của đôi bên đều đồng ý và chọn được một bồi thẩm đoàn gồm 12 người chính thức và 2 người dự khuyết, hoặc nhiều hơn tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của phiên xử.

Sống tại Hoa Kỳ hơn ba mươi năm, tôi đã được gọi đi làm nghĩa vụ của người công dân Hoa Kỳ cũng khoảng chục lần, nhưng chưa bao giờ được chọn để ngồi vào một trong mười bốn ghế của bồi thẩm đoàn.  Một vài lần tôi phải tới phòng bồi thẩm đoàn, chờ đợi mấy ngày liên tiếp, sau đó được cho về vì không được gọi tên.  Một vài lần khác thì được miễn tới phòng đợi, chỉ gọi phôn từ nhà, nhưng cũng không được chọn.  Hai lần tôi được ngồi vào ghế dự bị nhưng bị loại bởi luật sư của bị cáo.  Một lần tôi phải xin quan toà miễn cho vì tuần sau đó tôi phải đi vacation với gia đình mà chuyến đi đã định trước, vé máy bay đã mua rồi không thể huỷ.   Để tăng cơ hội được miễn, tôi còn phải nại thêm lý do là tôi đã từng là nạn nhân bị trộm cắp, nên không thể công bình trong phiên xử được.  Kết quả tôi được quan toà tha cho lần đó.
 
Cách đây hơn một tháng, tôi nhận được một phong thơ từ West Justice Court, thuộc thành phố Westminster gọi trình diện toà để làm bồi thẩm viên.  Cũng xin nói thêm là cái toà West này thì không xa lạ gì với tôi vì mỗi tuần tôi dạy xoá ticket ở đó.  Chiều thứ sáu tôi gọi phôn như đã được chỉ dẫn trong thơ và được cho biết là phải gọi lại vào chiều thứ hai.  Chiều thứ hai, tôi gọi lại và được thông báo là phải trình diện toà vào sáng thứ ba. 
 
Sáng thứ ba, tôi đến phòng bồi thẩm đoàn, nơi tập họp của những người được gọi như tôi.  Ở đây, đã có cả trăm người, đứng ngồi trong một căn phòng lớn, gồm già, trẻ, nam, nữ, đủ thành phần, đủ sắc dân.  Nhìn chung quanh, tôi đếm được khoảng vài chục người Á Châu và có lẽ trong số này, hơn ba phần tư là người Việt Nam. 
 
Đang dáo dác tìm một cái ghế trống để ngồi thì bỗng tôi nghe một giọng nói sau lưng:
-Ủa, ông thầy cũng được gọi đi làm bồi thẩm viên sao?
 
Quay lại, tôi thấy một bác cũng lớn tuổi đang nhìn tôi cười.  Đoán là bác từng là học viên của tôi,  tôi đáp:
-Dạ chào bác.  Cháu bị gọi hoài đó chứ.  Trung bình cũng khoảng 2, 3 năm một lần.  Bác là học viên của cháu hả?
 
Ông cười: 
-Dạ đúng rồi.  Ông thầy không nhớ tui, chứ tui nhớ ông thầy rõ lắm.  Tui đi học cũng được hơn hai năm rồi.  Cám ơn ông thầy, bây giờ tui lái xe cẩn thận hơn xưa nhiều.
-Bác có bao giờ bị gọi làm bồi thẩm viên chưa?
 
Ông trả lời, giọng lo âu:
-Chưa ông thầy ơi, đây là lần đầu tiên.  Không biết tại sao họ lại gọi tui?  Trời ơi khổ ghê, tiếng Anh tiếng u không rành, tui không biết phải làm sao? 
-Dạ bác đừng lo, nếu ông toà cảm thấy khả năng Anh ngữ của bác không đủ, ông ta sẽ miễn cho bác.  Mà chưa chắc gì bác đã được gọi tên bữa nay.
-Tui cũng mong thế.
 
Một anh Việt Nam đứng gần bên nhập chuyện: 
-Tui ghét cái vụ này nhất.  Mất thì giờ.
-Anh được chọn làm bồi thẩm viên lần nào chưa?  Tôi hỏi
-Chưa.  Tôi vào phòng xử mấy lần nhưng lần nào tôi cũng giả bộ không biết tiếng Anh , không hiểu ông toà nói gì, cuối cùng ổng cho tôi miễn. 
-Tại sao anh lại làm thế?  Được chọn làm bồi thẩm viên là được tham dự vào hệ thống pháp luật.  Anh không cảm thấy vinh dự sao?
-Thôi, tui hỏng ham.
 
Cùng lúc đó, một người nữ nhân viên của toà bước ra, tiến đến bục gỗ nơi có cái micro, trên tay cô cầm một danh sách.  Cô ta lên tiếng chào mừng mọi người bằng Anh ngữ, dặn dò và giải thích những điều chúng tôi cần biết.  Sau cùng cô nói:
-Bây giờ tôi sẽ đọc tên những người được chọn cho phòng xử W12.  Nếu quý vị nghe tên mình, xin làm ơn nói “có mặt” và đi đến phòng xử W12.   Xin quý vị chờ ngoài hành lang, nhân viên cảnh sát thuộc phòng xử sẽ cho quý vị biết khi nào được vào bên trong.  Những quí vị không nghe tôi đọc tên, xin ngồi yên tại chỗ và xin chờ.  Nếu có phiên xử khác, toà sẽ gởi lời yêu cầu.  Xin quý vị đừng rời khỏi phòng đợi ngoại trừ khi phải làm công việc vệ sinh.
 
Sau đó, cô chậm rãi đọc tên những người được chọn theo thứ tự tên họ, xếp theo vần abc.  Khoảng năm mươi người lần lượt đứng lên khi được gọi và ra khỏi phòng, trong số đó có anh chàng Viêt Nam không thích được làm bồi thẩm viên.  Tôi và ông bác đứng cạnh không có tên trong danh sách này.   Ông bác quay sang tôi nói: 
-Thoát được một chặng.  Cầu trời lần tới đừng có tên tui.
 
Nhưng dường như lời cầu của ông không được ông trời chấp thuận vì khoảng nửa giờ sau, ông có tên trong danh sách của những người được chọn cho phòng xử W16.  Lần này tôi cũng không được gọi tên. 
 
Khi thấy ông bác được gọi tên, tôi trấn an ông:
-Bác đừng lo.  Bác cứ trình bày thật thà với ông toà.  Cháu nghĩ là ông toà sẽ miễn cho bác.
 
Ông gật đầu nhưng tôi vẫn thấy được nét lo âu trên gương mặt của ông.
 
Khoảng hơn nửa giờ sau đó, cô nhân viên lại bước ra, tay cầm một danh sách, và nói:
-Bây giờ tôi sẽ đọc tên những người được chọn cho phòng xử W8.  Nếu quý vị nghe tên mình, xin làm ơn nói “có mặt” và xin đến phòng xử W8.   Xin quý vị chờ ngoài hành lang, nhân viên cảnh sát thuộc phòng xử sẽ cho quý vị biết khi nào được vào bên trong.  Những quí vị không nghe tôi đọc tên, xin ngồi yên tại chỗ và xin chờ.  Nếu có phiên xử khác, toà sẽ gởi lời yêu cầu.  Xin quý vị đừng rời khỏi phòng đợi ngoại trừ khi phải làm công việc vệ sinh.
 
Lần này, tên tôi được gọi.  Sau khi nói lớn “có mặt” tôi đứng lên theo đoàn người đi đến phòng xử W8.  Một điều thật ngẫu nhiên xảy ra là tôi được gởi tới phòng xử W8.  Căn phòng này không xa lạ gì đối với tôi vì chính đây là phòng mà tôi đứng dạy xoá ticket vào mỗi sáng thứ bảy và mỗi tối thứ Tư, trong hơn sáu năm qua.  Tôi có thể nhắm mắt mà vẫn biết đồ đạc trong phòng có gì.  Từ ngoài cửa nhìn vào, sát vách trong cùng là bàn của vị thẩm phán hay chánh án, được kê trên một cái bục cao ở giữa.  Trên bàn, là để một cái micro-phôn, màn ảnh computer, giấy tờ hồ sơ, và những vật linh tinh khác.  Phía bên phải của ông, từ phía chúng tôi nhìn lên, là chỗ dành cho nhân chứng, cũng được trang bị một cái micro-phôn.  Trước bàn nhân chứng là bàn của người nhân viên ghi chép tất cả những diễn tiến của phiên xử, những đối đáp của bị cáo, nhân chứng, luật sư hay chánh án. Sát tường bên phải là chỗ dành riêng cho các bồi thẩm đoàn gồm 12 cái ghế nệm da, được gắn chặt xuống nền nhà, ngăn cách với bên ngoài bằng một bức vách gỗ cao khoảng 3 feet.  Bên ngoài bức vách gỗ, họ kê 6 thêm cái ghế da nữa.  Phiá bên trái của vị chánh án là bàn của người thư ký, phía trước là bàn của hai người thư ký nữa.  Sát tường bên trái là một căn phòng nhỏ, cửa khoá, tường mắt cáo để bên ngoài, bên trong, có thể nhìn thấy nhau.  Căn phòng này là phòng cách ly, dành riêng cho những bị cáo được xem là dữ dằn, nguy hiểm. Bàn của người cảnh sát giữ an ninh nằm ngoài cùng, trước căn phòng cách ly. Khoảng 10 feet trước bàn quan toà, là hai cái bàn dài, trên cũng có hai cái micro-phôn.  Hai cái bàn này dành cho luật sư hai bên và bị cáo.  Trên bàn, bên trái đặt một tấm bảng có hàng chữ “Defendant”, bên phải trên bàn cũng có một tấm bảng có hàng chữ “Plaintiff”.
 
Chúng tôi, khoảng 50 người được chọn, trong số này có 7 người Việt Nam: 3 nam và 4 nữ, lũ lượt theo nhau đến phòng W8.  Trên đường tới phòng xử, tôi bỗng gặp bác hồi sáng, mặt vui mừng, hớn hở đang đi ngược chiều với tôi, về hướng phía phòng đợi. 
 
Thấy tôi, bác cười, nói lớn:
-Hên quá ông thầy ơi, vậy là tôi thoát nạn kỳ này rồi.  Ông toà gọi tôi lên, hỏi tôi vài câu.  Tôi nói tôi không hiểu tiếng Anh nhiều nên không thể làm bồi thẩm viên được.  Cuốì cùng, ông miễn cho tôi.  Bây giờ tôi trở về phòng, làm thủ tục đi về.  Ông thầy ở lại vui nghen.  Bửa nào rảnh, tôi ghé văn phòng ông thầy tán dóc.
 
Tôi chào bác và tiếp tục đi về phòng W8 với những suy nghĩ mông lung, trái ngược.
 
Hai cánh cửa gỗ phòng W8 đóng im ỉm.  Chúng tôi, kẻ đứng, người ngồi xuống những cái băng ghế chung quanh chờ đợi.  Một lúc sau, một nhân viên cảnh sát mở cửa và mời chúng tôi vào.
Chúng tôi bước vào bên trong phòng xử và được hướng dẫn ngồi xuống những hàng ghế nệm da được ngăn cách với phía trên của phòng xử bằng những chắn song ngang cao khoảng lưng quần.
 
Chánh án phiên xử ngày hôm nay là một người đàn ông tuổi trung niên, mặc áo thụng đen, mang kính trắng với khuôn mặt đầy đặn và phúc hậu.  Bị cáo là một thanh niên da trắng, dường như người gốc Ý (tôi đoán như vậy), tuổi khoảng 25, mặc sơ mi trắng bỏ trong chiếc quần sậm màu.  Anh ta có gương mặt hốc hác, với chòm râu dê (goatee) cùng đôi mắt thất hồn, có lẽ vì thiếu ngủ.  Đứng bên cạnh anh là vị luật sư biện hộ, người gốc da đen, nhìn còn trẻ, khoảng trên dưới 30, mặc một bộ vest nhạt màu.  Bên phải là nữ luật sư đại diện cho văn phòng biện lý, có lẽ người gốc Latinos, trẻ, đẹp, duyên dáng trong bộ vest và jupe bó sát người màu xanh đen.  Khi thấy chúng tôi bước vào, hai vị luật sư và bị cáo đều đứng lên cho đến  khi tất cả chúng tôi an toạ, họ mới ngồi xuống.
 
Sau lời chào mừng, vị chánh án đọc bản cáo trạng cho phiên xử ngày hôm nay.  Theo như bảng cáo trạng, bị cáo được đưa ra toà xử vì đã có hành động khiếm nhã về tình dục (sexual battery) với một người đàn bà trung niên.  Ông nhấn mạnh rằng bản cáo trạng không phải là chứng cớ mà chỉ là bản tổng quát, đúc kết những gì đã xảy ra.  Bảng cáo trạng do văn phòng biện lý cuộc hoàn tất và cung cấp.  Kế tiếp, ông dẫn giải về tiến trình xử án và thủ tục chọn lựa bồi thẩm đoàn cho phiên xử.
 
Đến đây, thấy cũng gần trưa, vị chánh án giải tán chúng tôi và cho biết thủ tục chọn lựa bồi thẩm đoàn sẽ được bắt đầu khi chúng tôi trở lại sau bữa ăn trưa.
 
Đúng 1 giờ 30, chúng tôi trở lại phòng xử và thủ tục chọn lựa bồi thẩm đoàn bắt đầu.
 
Trước tiên, người thư ký chậm rãi đọc tên 18 người được chọn không thứ tự bởi computer, trong số 50 người đang ngồi phía dưới.   Mười tám người được chọn, gồm 9 nam và 9 nữ, từng người một, lần lượt lên ngồi ở ghế bồi thẩm viên đã được chỉ định.  Trong số 18 người được chọn đầu tiên có 3 người Việt Nam.  Tôi không có tên trong số người này.
 
Sau khi mọi người an toạ, vị chánh án lần lượt hỏi từng người, bắt đầu từ bồi thẩm viên thứ nhất, với những câu hỏi liên quan đến người bồi thẩm viên dự bị, như tên tuổi, nghề nghiệp, đã lập gia đình hay chưa, nghề nghiệp của người phối ngẫu, con cái trên mười tám tuổi, nghề nghiệp của chúng, đã từng làm bồi thẩm viên lần nào hay chưa, kết quả của phiên xử, và vài chi tiết khác.  Hai câu hỏi mà vị chánh án nhấn mạnh cho từng người là: có thân nhân hay quen biết ai đang phục vụ trong hệ thống pháp luật hay không và có bao giờ đã là nạn nhân hay liên quan đến những vụ kiện về tình dục hay chưa. 
 
Trong khi trả lời các câu hỏi, một người đàn ông Việt Nam đã xin toà được miễn làm bồi thẩm viên vì khả năng Anh ngữ giới hạn.  Nhưng vị chánh án đã không miễn cho anh vì sau khi ông hỏi anh ta vài câu hỏi và nghe anh trả lời, ông cho biết là khả năng anh ngữ của anh đủ để làm một bồi thẩm viên.
 
Sau đó, vị chánh án cho quyền luật sư hai bên loại bỏ những bồi thẩm viên mà họ không muốn trong phiên xử.  Căn cứ trên lời khai của bồi thẩm viên và câu trả lời của họ, luật sư hai phía lần lượt loại ra những bồi thẩm viên mà họ nghĩ là không có lợi cho thân chủ của mình.  Cứ mỗi lần một bồi thầm viên bị loại, một bồi thẩm viên mới được chọn từ những người còn lại ngồi bên dưới.  Người được chọn thay thế, sẽ ngồi vào ghế của người vừa bị loại, cũng phải trả lời tất cả những câu hỏi của quan toà và luật sư hai phía.  Lần lượt, ba người Việt Nam đầu tiên bị loại, sau đó ba người Việt Nam khác lên thay thế nhưng cũng bị loại.  Tôi được gọi để thay thế cho người bồi thẩm viên số 4, là một phụ nữ da trắng.  Sau khi trả lời các câu hỏi của người chánh án và luật sư của hai bên, tôi đã được giữ lại để trở thành bồi thẩm viên số 4 cho phiên xử.
 
Cuối cùng, hai vị luật sư cũng chọn được 12 người bồi thẩm viên chính thức và 1 dự khuyết, gồm 7 nam, 6 nữ, hai người Á châu, và 11 người da trắng.  Tôi là một trong hai người Á châu, và là người Việt Nam duy nhất, người kia là người Mỹ gốc Đại Hàn.
 
Lúc này đã 5 giờ chiều, chúng tôi được giải tán.  Vị chánh án trước khi giả tán chúng tôi đã căn dặn chúng tôi rất kỹ càng là không được nói chuyện với bất cứ một ai, ngay cả người thân trong gia đình về một điều gì liên quan đến phiên xử ngày hôm nay.  Mười ba người chúng tôi được mời trở lại lúc 10 giờ sáng ngày hôm sau để bắt đầu phiên xử.
 
Phiên xử kéo dài một ngày với một nhân chứng duy nhất là người phụ nữ da trắng trung niên, cũng là người bị xâm phạm tình dục.  Sau khi nghe lời khai của nhân chứng, cùng lời thẩm vấn qua lại của hai vị luật sư, 12 người chúng tôi bắt đầu cuộc bàn luận (deliberation) để đưa đến kết luận (verdict) là kết tội (guilty) hay tha bổng (not guilty) bị cáo. 
 
Vì trời đã xế chiều, nên chúng tôi lại được giải tán và cho biết cuộc bàn luận sẽ diễn ra vào sáng ngày hôm sau.
 
Chúng tôi có mặt trong phòng xử lúc 9 giờ sáng.  Sau khi được vị chánh án đọc cho nghe bảng chỉ dẫn, dặn dò những điều cần thiết, chúng tôi được hướng dẫn tới phòng bàn luận.  Đây là một căn phòng họp nhỏ, gồm một cái bàn dài kê ở giữa và mười hai cái ghế da kê chung quanh. 
 
Viên cảnh sát đợi chúng tôi ngồi vào ghế, chỉ vào một cái công tắc đèn trên tường rồi nói: 
-Quý vị toàn quyền bàn luận từ giờ phút này cho đến khi nào đạt được kết quả đồng thuận.  Nếu quý vị cần bất cứ điều gì trong khi bàn luận, xin bật công tắc này thì tôi sẽ có mặt để giúp quý vị. 
 
Nói xong anh ta đi ra và đóng cửa phòng để chúng tôi bắt đầu cuộc bàn luận.
....
....
 
Sau hơn 3 giờ bàn cãi, chúng tôi đã không đạt được quyết định đồng nhất, cho dù là kết tội hay tha bổng.  Không như dân luật mà bản án chỉ cần đa số 12/9, với một vụ án hình luật, luật buộc cả mười hai người phải đạt được quyết định đồng nhất thì bản án mới được chấp nhận. 
 
Kết quả cuối cùng mà chúng tôi đạt được là mười người kết tội và hai người tha bổng bị cáo.   Vì lý do là 10 người không thể thuyết phục 2 người kia đổi ý nên cuối cùng vị chánh án buộc lòng tuyên bố là phiên xử vô hiệu (hung-jury hay mistrial).  Hung-jury hay mistrial không có nghĩa là bị cáo vô tội, chỉ là phiên xử đã được vô hiệu hoá. 
 
Khi một phiên xử được vô hiệu hoá, luật sư bên biện lý có thể nạp đơn để xin toà một phiên xử khác hoặc là bãi nại hay bỏ luôn. Trong trường hợp luật sư bên biện lý không nạp đơn xin xử lại thì bị cáo sẽ được coi như là vô tội.
 
Sau hai ngày rưỡi làm bồi thẩm viên, tôi đã học được rất nhiều điều mới lạ. Tôi rất hãnh diện mình đã được chọn làm bổn phận bồi thẩm đoàn vì đối với tôi,  việc này không những trách nhiệm, bổn phận của một người công dân mà còn là một vinh dự vì tôi đã được dự phần vào hệ thống luật pháp và xử án của quốc gia này.
 
Trần Quốc Sỹ 
http://motgoctroi.com/Vuibuon/VBxMy/JuryDuty.htm

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ