Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Chọn ống kính cho ảnh đường phố

Chọn ống kính cho ảnh đường phố Chọn ống kính cho ảnh đường phố
Google chỉ cần vài giây để tống cho tôi hàng tá hướng dẫn lựa chọn ống kính máy ảnh nhưng rốt cuộc tôi vẫn mất cả nửa năm trời để thử và đổi ống kính mới. Thậm chí ngay lúc này, sau 6 tháng cầm máy, tôi vẫn đang tính chuyện nâng cấp.
Đầu tiên, tôi muốn điểm lại những trải nghiệm của mình, với chú thích rằng tôi đang dùng máy Canon 40D và thường chụp ảnh đời sống – lao động, có nghĩa là tôi cần ống kính góc rộng nhiều hơn là ống kính tele.



Suy nghĩ, chọn và… lặp lại

Chiếc ống kính đầu tiên của tôi là chiếc 24-85/3.5-4.5 của Canon. Tôi hoàn toàn không có kỷ niệm vui vẻ nào với nó vì đơn giản là chiếc ống kính đó mắc lỗi lấy nét sai (back focus hoặc front focus, trong trường hợp của tôi thì là back focus).
Tôi vẫn chưa quên được cảm giác chán nản khi gửi trả chiếc 24-85 đó cũng như những ngày hồi hộp chờ đợi chiếc ống kính 28-70/2.8 của Tokina. Lần này, tôi thấy cực kỳ hài lòng. Độ nét của nó vượt xa chiếc ống kính Canon kia và quan trọng hơn, tôi thực sự mê thiết kế của Tokina: hơi nặng nhưng rất chắc chắn.
Tôi gắn bó với Tokina khoảng 3 tháng. Tôi thực sự gặp rắc rối lớn với cái được gọi là “hệ số cắt” (crop factor) và ảnh của tôi bị chê là “thiếu rộng”.
Kỷ niệm buồn nhất của tôi với chiếc ống kính thứ hai này đến trong một lần đi chụp lễ hội. Anh bạn tôi – với chiếc ống kính 17mm – đã có được cảnh một bà cụ khom lưng nhòm qua khe hở ở một đầu hàng rào và một chàng trai đang ngồi xổm trên hàng rào, ở đầu bên kia. Tôi cũng đứng ở đúng chỗ ấy, nhưng không làm sao “nhồi” gã trai kia cùng cái hàng rào đó vào trong một khung hình cùng với bà lão được.
Tôi biết mình đã để lỡ mất một hình ảnh đẹp. Sau đó, tôi mua chiếc ống kính thứ ba trong đời cầm máy của mình, chiếc 17-50/2.8 trứ danh của Tamron và dùng cho đến khi viết những dòng này.
Cũng cần nói thêm rằng người chơi ảnh ở Việt Nam dường như ai cũng có một chiếc ống kính 50mm; tôi không phải là ngoại lệ, chỉ khác là tôi dùng một chiếc ống kính không-tự-động (tức là phải chỉnh khẩu độ và lấy nét hoàn toàn thủ công) của Carl Zeiss.
Thay ống kính có cùng tiêu cự nhưng chất lượng tốt hơn thì thật là dễ, chỉ cần có đủ tiền là được. Thay ống kính có tiêu cự khác mới thật là vấn đề. Với tôi, đó là việc chán nhất trong nhiếp ảnh; đôi khi, nó làm tôi mất ăn mất ngủ. Rất nhiều bạn bè, người quen khác của tôi – và cả những người xa lạ mà tôi gặp trên các diễn đàn nhiếp ảnh – đã và đang lầm vào tình cảnh tương tự.
Tôi ước gì mình có thể đổ hết tội lỗi cho tính cẩu thả, lười tìm hiểu của mình. Nhưng thực tế là tôi đã ngấu nghiến hàng đống tài liệu, từ sách dạy nhiếp ảnh cho tới đánh giá kỹ thuật trên các diễn đàn từ lâu trước khi mua máy. Tôi đã có 2 năm kinh nghiệm với các loại máy du lịch trước đó. Thế mà cuối cùng tôi vẫn cứ đau đầu với chuyện chọn ống kính.
Cần nhắc lại rằng tôi chủ yếu chụp ảnh đời sống – lao động. Đôi khi tôi có chụp chân dung nhưng không nhiều. Các hướng dẫn chọn ống kính bao giờ cũng khuyên là phải biết mình chụp thể loại nào nhưng tôi dù biết rất rõ thể loại mình sẽ chụp mà vẫn cứ phải thay đổi ống kính.
Mất rất nhiều thời gian tôi mới nhận ra rằng vấn đề không chỉ đơn giản là “góc rộng” hay “tele”. Có vô số câu hỏi cần được đặt ra. Nếu “rộng” thì “rộng” đến đâu? Tại sao lại có những tiêu cự như 24mm, 35mm, 50mm,…?
Tôi cũng nhận ra rằng mình thực sự đã quá coi thường lý thuyết cơ bản về nhiếp ảnh.

Bắt đầu từ lý thuyết

 
Hãy bắt đầu lại từ chiếc ống kính tiêu chuẩn. Ai cũng biết trên máy ảnh dùng phim 35mm hoặc máy ảnh số fullframe thì ống kính 50mm là ống kính tiêu chuẩn. Một số người biết rằng ống kính 50mm có góc nhìn và hình ảnh giống với mắt người. Rất, rất ít người hiểu sự giống nhau đó.
Trên máy phim 35mm thì một chiếc ống kính 50mm có góc nhìn khoảng 47 độ. Mắt người tất nhiên là có góc nhìn lớn hơn, kể cả khi ta nhìn chỉ bằng một mắt. Điều đáng nói là mắt người thậm chí có thể phát hiện chuyển động trong khoảng 180 độ (đặc biệt, những người tập võ lâu năm có khả năng phát hiện chuyển động cực tốt) nhưng lại không thể nhận biết được hình dạng của vật chuyển động.
Có nghĩa là thực ra, mắt người chỉ có thể nhìn rõ trong một góc hẹp hơn rất nhiều. Góc nhìn chung của cả hai mắt là khoảng 120 độ, của một mắt khoảng trên 60 độ. Với một mắt, ta chỉ nhìn rõ trong khoảng xấp xỉ 50 độ. Nếu nhìn bằng cả hai mắt thì rõ trong khoảng 84 độ.
Chính vì thế mà người ta qui định những ống kính cho góc nhìn vào khoảng 50 độ là ống kính tiêu chuẩn hoặc ống kính “thường” (normal) – ám chỉ hình ảnh thu được giống hình ảnh ta nhìn bằng mắt – và ống kính cho góc nhìn 84 độ được gọi là góc rộng tiêu chuẩn (typical wide).
Ống kính 35mm trên máy ảnh dùng phim 35mm cho góc nhìn khoảng 63 độ, gần bằng góc nhìn của một mắt; trong khi đó, một ống kính 13 hoặc 14mm sẽ cho góc nhìn khoảng 118 độ, gần với góc nhìn của hai mắt.
Khi hiểu được những điều này, tôi mới biết “rộng” đến mức nào là đủ.

24 hay 35? zoom hay prime?

Phóng viên ảnh phương Tây thường xuyên sử dụng ống kính 24mm, nhất là trong phóng sự ảnh. Họ muốn gửi cho độc giả những hình ảnh giống như họ nhìn thấy. Nhưng cũng có nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp lại thích ống kính 35mm.
Một anh bạn tôi, vốn say mê chụp ảnh đời sống và đang dùng một chiếc máy fullframe, lại cho rằng 24mm thì “rộng” quá. Phần lớn ảnh hiện nay của anh chụp bằng ống kính 35mm. Tôi thì hầu như chỉ chụp ở tiêu cự 17mm với chiếc ống kính zoom của mình (17mm trên hệ máy APS-C tương đương khoảng 28mm trên hệ fullframe).
Sự khác biệt này, theo tôi, xuất phát từ cảm nhận của mỗi người. Tôi và bạn tôi suy nghĩ khác nhau, cảm nhận khác nhau nên khi chụp ảnh, chúng tôi cũng sáng tạo ở những tiêu cự khác nhau.
Nhiều người thích ống kính 35mm còn vì hình ảnh ít bị biến dạng hơn ở 24mm. Ngoài ra, ống kính 24mm thường yếu thế khi so sánh về độ nét.
Chọn ống kính zoom hay prime đến đây đã trở thành một câu hỏi quá đơn giản. Sớm hay muộn bạn cũng sẽ nhận ra rằng mình thực sự quen với một tiêu cự nào đó và phát huy cao nhất tính sáng tạo của mình ở tiêu cự ấy. Ống kính prime lại thường có chất lượng quang học cao hơn so với ống kính zoom.
Tất cả những gì bạn cần cân nhắc là vấn đề tài chính vì một chiếc ống kính zoom rõ ràng là rẻ hơn hai chiếc ống kính prime cùng cấp.

Fullframe vs APS-C



Tất cả những người say mê ảnh đời sống đều cố gắng trang bị máy ảnh fullframe, bằng cách này hay cách khác, dù máy ảnh trang bị cảm biến Fullframe đắt hơn rất nhiều so với máy APS-C. Nguyên nhân không phải chất lượng ảnh hay tính chuyên nghiệp mà – thêm một lần nữa – là góc nhìn.
Dòng ống kính EF-S của Canon có thấu kính cuối cùng hơi nhô ra so với dòng EF nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đuôi ống kính với cảm biến. Thiết kế này, theo các kỹ sư Canon, sẽ tăng được góc nhìn cho ống kính và giảm giá thành sản xuất. Nhưng vấn đề là hoàn toàn chưa hề có một chiếc EF-S 35mm hay 50mm nào.
Đúng ra là tất cả các ống kính EF-S đều là ống kính zoom và, trừ chiếc 17-55/2.8 IS ra, tất cả đều có chất lượng quan học rất tệ (đứng đầu danh sách không-nên-mua là chiếc 17-85 IS).
Các hãng sản xuất thứ ba cũng có ống kính dành riêng cho hệ máy Crop (APS-C) nhưng trên thực tế, chưa từng có một chiếc ống kính 17mm cho APS-C nào tạo ra hình ảnh giống hệt ống kính 28mm trên máy fullframe.
Hình ảnh ở 17mm bị biến dạng rất nhiều so với 28mm, đó là điều không phải bàn cãi. Hơn nữa, muốn có được góc nhìn 84 độ trên hệ máy APS-C thì phải có một ống kính 15mm vốn rất hiếm và không hề rẻ (tệ hơn là hình ảnh sẽ biến dạng rất nhiều).
Chính vì thế mà sinh viên học về ảnh (nhất là trong các trường báo chí) phương Tây thường được khuyên dùng máy Fullframe và ống kính fix 24mm (góc nhìn tương đương mắt người) để có hình ảnh trung thực nhất. Người ta thường chỉ phải chấp nhận thực tế đáng buồn này nếu không đủ tiền mua máy Fulframe mà thôi.
Dĩ nhiên là một chiếc máy tốt mấy cũng không thay người chụp ảnh được. Nhưng rõ ràng là góc nhìn đúng và phương pháp tốt sẽ góp phần quan trọng vào chất lượng của mỗi bức ảnh.

Nguồn tin: akarivn.wordpress.com 
 

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ